Lao động trong “thời kỳ vàng”: Nhiều thách thức

Việt Nam đã bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng,” nghĩa là cứ hai hoặc hơn hai người trong độ tuổi 15-64 gánh một người trong độ tuổi phụ thuộc.

Bắt đầu của thời kỳ này tại Việt Nam là năm 2007 và theo dự báo thì sẽ kết thúc năm 2041, với nhiều cơ hội thuận lợi và những thách thức không nhỏ về vấn đề lao động và việc làm.
Việt Nam đã bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng,” nghĩa là cứ hai hoặc hơn hai người trong độ tuổi 15-64 gánh một người trong độ tuổi phụ thuộc.

Bắt đầu của thời kỳ này tại Việt Nam là năm 2007 và theo dự báo thì sẽ kết thúc năm 2041, với nhiều cơ hội thuận lợi và những thách thức không nhỏ về vấn đề lao động và việc làm.

Tại mỗi quốc gia, thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” chỉ xảy ra duy nhất một lần trong lịch sử nhân khẩu học.

Cơ hội duy nhất trong lịch sử


Theo số liệu từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Năm năm 2009, tính đến thời điểm 1/4/2009, cả nước có 49,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, chiếm 57% tổng dân số, trong đó có 47,7 triệu người có việc làm và 1,5 triệu người thất nghiệp.

Theo các chuyên gia về dân số, tỷ trọng lực lượng lao động cao trong dân số của một quốc gia được xem như là một lợi thế vì với số lượng lớn dân số trong độ tuổi lao động có thể góp phần vào việc tăng trưởng kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức, như yêu cầu tăng cường cả số lượng và chất lượng giáo dục, đào tạo nghề chuyên môn kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cũng như tăng cơ hội việc làm cho thanh niên.

Bà Trần Thị Vân - Trợ lý Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam nhận định, những thách thức của thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” nếu Việt Nam biết tận dụng và phát huy thì sẽ biến thời cơ thành cơ hội phát triển.

Bà Vân phân tích, ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, Việt Nam sẽ có nhiều người trong độ tuổi lao động, vì vậy sẽ có tăng tích lũy nhiều, tăng trưởng phát triển từ đó tạo ra sự phát triển vượt bậc.

Do vậy, Việt Nam muốn tận dụng những thời cơ của thời kỳ cơ cấu dân số vàng thì phải tăng cường đầu tư cho công nghiệp, thương mại, y tế, giáo dục, tạo cơ hội việc làm phù hợp, đặc biệt là chú trọng đến lực lượng lao động trẻ.

85% lao động chưa được đào tạo


Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ, hơn 52% số người thuộc lực lượng lao động trong độ tuổi từ 30-39.

Kết quả tổng điều tra cho thấy, tỷ lệ lao động tại Việt Nam đã qua đào tạo vẫn còn thấp. Trong tổng số 49,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động của cả nước, chỉ có 7,3 triệu người đã được qua đào tạo, chiếm gần 15% tổng lực lượng lao động.

Như vậy, nguồn nhân lực của Việt Nam có một lợi thế trẻ và dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật vẫn còn ở mức thấp.

Hiện cả nước có gần 42 triệu lao động (chiếm 85% lực lượng lao động) chưa được đào tạo để đạt một trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó.

Đến năm 2009, phần lớn lao động làm việc trong nền kinh tế Việt Nam vẫn là lao động giản đơn (chiếm 40%) và nghề trong nông, lâm, ngư nghiệp (18%).

Điều này cho thấy thị trường lao động Việt Nam đang ở mức rất thấp, vấn đề đào tạo nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật được đặt ra hết sức cấp bách.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, con số trên đã đặt ra một nhiệm vụ nặng nề để Việt Nam cần có chiến lược nâng cao chất lượng nguồn lực lao động.

Ông Đỗ Thức – Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho rằng Việt Nam nếu không nâng cao chất lượng lao động thì thời kỳ dân số vàng sẽ trôi đi phí. Vì vậy, chúng ta cần có chiến lược đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo ông Thức, thời gian vừa qua chính phủ đã xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020. Từ đó quy hoạch lại mạng lưới giáo dục theo vùng, theo tỉnh cho hợp lý sẽ là một nhân tố góp phần nâng cao chất lượng lao động Việt Nam.

Hơn 1,5 triệu người thất nghiệp

Kết quả cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009 cho thấy, cả nước có hơn 1,5 triệu người thất nghiệp, trong đó khu vực thành thị là hơn 688.000 người, chiếm 45% tổng dân số thất nghiệp.

Trong hơn 1,5 triệu lao động thất nghiệp thì số người thất nghiệp trẻ tuổi (từ 15-29) chiếm tới gần 50%, trong khi đó nhóm dân số từ 15-29 tuổi chiếm 37% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên của cả nước.

Đáng lưu ý, số lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị tập trung chủ yếu vào nhóm thanh niên dưới 30 tuổi, trong khi đó ở khu vực nông thôn tập trung cả cả vào nhóm thanh niên dưới 30 tuổi và nhóm lao động ngoài 50 tuổi.

Như vậy, vấn đề thất nghiệp được đặt ra với tất cả lao động trẻ tuổi ở thành thị và nông thôn và cũng được đặt ra với cả những lao động lớn tuổi ở khu vực nông thôn.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thất nghiệp trong thanh niên tăng cao một phần xuất phát từ việc thị trường lao động được bổ sung thêm nhiều nhân lực trong khi nền kinh tế chưa đạt tốc độ tăng trưởng phù hợp để đáp ứng nhu cầu việc làm.                                                                          

Chính vì vậy, để tận dụng lực lượng “lao động vàng,” theo bà Vân, Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn liền với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nhằm tận dụng hiệu quả cơ hội vàng của dân số cho sự phát triển.

Điển hình như việc tập trung vào cải cách và điều chỉnh hệ thống đào tạo đại học, đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật hướng đến thị trường nhằm tạo ra một lực lượng lao động kỹ thuật có tay nghề, có chuyên môn thỏa mãn “cơn khát” lao động có kỹ năng của các doanh nghiệp./.

Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục