Lập lờ sữa tươi

Lập lờ sữa tươi: Người tiêu dùng đang bị đánh đố

Sự nhập nhằng trong việc ghi nhãn mác dẫn đến chất lượng không đúng với công bố thực tế đã gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng.
Sữa tươi và các sản phẩm sữa đang trở thành một nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng, tuy nhiên sự nhập nhằng trong việc ghi nhãn mác dẫn đến chất lượng không đúng với công bố thực tế đã gây nhiều bức xúc cho người tiêu dùng.

Tại Hội thảo “Thực trạng chất lượng sữa tươi Việt Nam” do Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương tổ chức sáng nay, 9/7 nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ khái niệm sữa tươi và trách nhiệm của doanh nghiệp trước quyền lợi của người tiêu dùng đang bị xâm phạm.

Từ nhập nhằng ghi nhãn

Theo số liệu Quy hoạch ngành sữa của Bộ Công thương, tổng sản lượng sữa nước năm 2010 của Việt Nam ước khoảng 479.000 lít, trong khi tổng sản lượng sữa bò cả nước dự kiến năm 2010 mới đạt 276.357 lít, tức là thiếu trên 200.000 lít.

Mặc dù giữa sản lượng sữa nước và sữa tươi sản xuất ra còn chênh lệch lớn như vậy, nhưng hầu hết các sản phẩm sữa tươi trên thị trường hiện nay đều ghi rất rõ "sữa tươi nguyên chất" và sự nhập nhằng này khiến người tiêu dùng hoa mắt trước thị trường sữa hiện nay.

Theo Tiến sỹ Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng Ban Bảo vệ người tiêu dùng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, trên thị trường có quá nhiều loại sữa và nhãn hiệu nào cũng ghi là sữa tươi, nên bản thân bà cũng không phân biệt nổi đâu là sữa tươi nguyên chất và đâu là sữa hoàn nguyên.

“Các chuyên viên của Cục Quản lý cạnh trạnh đi mua lại các sản phẩm sửa tươi bán tại các cửa hàng và siêu thị nhưng không thấy bấy kỳ nhãn hiệu nào ghi nhãn mác là sữa hoàn nguyên tiệt trùng, hay sữa tiệt trùng,” Tiến sỹ Vũ Thị Bạch Nga dẫn chứng.

Trên thị trường sữa nước hiện nay có 3 sản phẩm chính là Sữa tươi thanh trùng (100% là sữa tươi), Sữa tươi tiệt trùng (99% là sữa tươi) và Sữa hoàn nguyên tiệt trùng (được làm từ sữa bột pha trộn với nước)

Cũng theo phân tích của các chuyên gia, sự nhập nhằng này khiến nhiều doanh nghiệp được lợi rất nhiều trong việc dùng sữa hoàn nguyên để chế biến vì doanh nghiệp không phải tốn chi phí nào trong việc đầu tư, trang bị hệ thống bảo quản khi thu mua sữa tươi, đào tạo, huấn luyện con người…

Giám đốc công ty sữa Ba Vì, ông Lê Hoàng Vinh cho biết, nếu không đầu tư hệ thống trạm thu mua, các bồn trữ lạnh, con người để kiểm tra chất lượng sữa đầu vào… thì sữa tươi sẽ bị hỏng ngay nếu không được bảo quản trong vòng 3 giờ sau khi vắt sữa.

Hơn nữa việc dùng sữa hoàn nguyên để tái chế ra sữa tươi rất nhanh chóng, tiện lợi, chỉ cần mua sữa bột về pha chế.

“Nếu tính theo giá sữa nguyên liệu sữa bột nhập khẩu hiện nay là 2.000 USD/tấn, thì giá nguyên liệu cho 1 lít là khoảng 5.000 đồng/lít, trong khi đó giá mua nguyên liệu sữa tươi trung bình là 7.200 đồng/lít, thì việc mua sữa bột pha chế sẽ lợi được hơn 30% so với khi mua sữa bò tươi,” ông Vinh cho biết.

Đến quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại

Sự nhập nhằng này đã gây ra những khó hiểu đối với người tiêu dùng và hơn nữa chất lượng cũng như giá cả không đúng với thực tế đã làm cho quyền lợi người tiêu dùng bị xậm hại

Mới đây nhất, sự phồng rộp trong các bịch sữa tươi được lý giải do vận chuyển và sự biến chất của một số sản phẩm sữa bày bán trên thị trường…đã gây ra những bức xúc với người tiêu dùng.

Bản thân ông Trần Anh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cũng thắc mắc, với công nghệ sản xuất sữa tươi tiệt trùng mà lại dùng công nghệ li tâm để diệt khuẩn thì chất lượng sữa tươi có đúng với công bố của nhà sản xuất hay không?

Theo ông Sơn, liệu có phải vi khuẩn trong sữa tươi đã biến đổi gen nên cần phải dùng đến công nghệ li tâm mới diệt được khuẩn, đặc biệt. "Các sản phẩm sửa tươi thanh trùng đã qua quá trình xử lý ở nhiệt độ cao trong thời gian ngắn, nhưng thời hạn sử dụng chỉ từ 3-5 ngày thì quá trình vận chuyển đến các vùng xa xôi tiêu thụ có đảm bảo chất lượng," ông Sơn nói thêm.

Tiến sỹ Vũ Thị Bạch Nga cũng đưa ra ví dụ, tại Đồng Bằng Sông Cửu Long, sữa của nhiều công ty được bày bán ở chợ dưới trời nắng nóng chẳng khác gì bán rau mà không có bất kì hình thức bảo quản nào. Nhưng câu trả lời của người bán là có bị hỏng hay không thì chưa biết và rơi vào sản phẩm nào thì người mua đó phải chịu.

“Nếu sản phẩm hỏng thì người tiêu dùng đâu có quan tâm đến người bán là ai mà chịu trách nhiệm và khởi kiện sẽ là nhà sản xuất chứ,” Tiến sỹ Nga khuyến nghị.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong thời gian qua, việc kiểm tra chất lượng các sản phẩm sữa còn chưa sát sao. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt còn chưa nghiêm minh dẫn đến nhiều nhà sản xuất chỉ chạy theo lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm trước xã hội.

Trong khi đó, các văn bản qui định về ghi nhãn mác, chất lượng sản phẩm và các tiêu chuẩn của từng loại sữa…vẫn phải  chờ  đến năm 2011 khi luật An toàn vệ sinh thực phẩm có hiệu lực và các văn bản hướng dẫn của các Bộ về qui hoạch vùng nguyên liệu cho chăn nuôi và sản xuất nguyên liệu bò sữa.

Do vậy, câu hỏi được đặt ra của Hội người tiêu dùng nữ là trên thị trường Việt Nam hiện nay có sữa tươi 100% không và việc người tiêu dùng được bảo vệ thế nào vẫn chờ sự ra tay của các cơ quan quản lý, đặc biệt là cam kết của doanh nghiệp trước những sản phẩm của mình./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục