Lập trường của Saudi Arabia về bình thường hóa quan hệ với Israel

Ngoại trưởng Saudi Arabia nhắc lại quan điểm chỉ trích "các chính sách đơn phương" của Israel sáp nhập và xây dựng khu định cư ở vùng Bờ Tây bị chiếm đóng, coi hoạt động này là "bất hợp pháp."
Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan phát biểu với báo giới tại Berlin, Đức ngày 19/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan phát biểu với báo giới tại Berlin, Đức ngày 19/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Saudi Arabia ngày 19/8 cho biết nước này sẽ không có động thái như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel cho tới khi nhà nước Do Thái ký với Palestine một thỏa thuận hòa bình được quốc tế công nhận.

Phát biểu với các phóng viên trong chuyến thăm tới thủ đô Berlin của Đức, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan nêu rõ "người Palestine phải có được hòa bình" trên cơ sở các thỏa thuận quốc tế, đây là điều kiện tiên quyết để có bất kỳ động thái nào bình thường hóa quan hệ với Israel. Ngoại trưởng Saudi Arabia nhấn mạnh "một khi đạt được điều đó, mọi vấn đề đều có thể."

Phát biểu trên của Ngoại trưởng Faisal nhất quán với lập trường trước đây của Saudi Arabia về vấn đề này. Đây cũng là phản ứng chính thức đầu tiên của Riyadh kể từ khi UAE ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel.

Tại cuộc họp báo với người đồng cấp Đức Heiko Maas, Ngoại trưởng Saudi Arabia nhắc lại quan điểm chỉ trích "các chính sách đơn phương" của Israel sáp nhập và xây dựng khu định cư ở vùng Bờ Tây bị chiếm đóng, coi hoạt động này là "bất hợp pháp" và "gây tổn hại" giải pháp hai nhà nước.

Trước đó, Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner ngày 17/8 kêu gọi Saudi Arabia có động thái tương tự UAE thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, cho rằng điều này có lợi cho Saudi Arabia.

Ngày 13/8 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo UAE và Israel đã nhất trí hướng tới bình thường hóa quan hệ trong một thỏa thuận do Washington làm trung gian.

[Palestine chỉ trích thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa UAE-Israel]

Theo thỏa thuận, Israel đình chỉ kế hoạch sáp nhập các vùng lãnh thổ thuộc Bờ Tây. Với thỏa thuận này, UEA sẽ là nước thứ 3 trong thế giới Arab thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Israel (sau Ai Cập ký thỏa thuận năm 1979 và Jordan ký năm 1994).

Giới chức Palestine đã phản đối mạnh mẽ động thái trên của UAE. Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtaye cho rằng việc UAE bình thường hóa quan hệ với Israel là "vi phạm rõ ràng sự đồng thuận Arab đối với sự nghiệp của người Palestine."

Ngày 19/8, khoảng 2.000 người Palestine đã tuần hành tại Bờ Tây phản đối việc UAE bình thường hóa quan hệ với Israel.

Cuộc biểu tình diễn ra tại làng Turmus'ayya ng ở miền Bắc khu Bờ Tây, giữa thành phố Ramallah và Nablus, với sự tham gia của thành viên 2 nhóm đối địch là phong trào Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza và phái Fatah thuộc Chính quyền Palestine (PA) do Tổng thống Mahmud Abbas lãnh đạo và hoạt động ở Bờ Tây. Đây là lần hiếm hoi các nhóm đối địch của Palestine tham gia một cuộc tuần hành như vậy.

Phát biểu trước đông đảo người tham gia tuần hành, Thủ tướng Palestine Mohammed Shtayyeh tuyên bố toàn thể người Palestine đoàn kết chống lại kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ, được gọi là "thỏa thoả thuận thế kỷ," phản đối "hoạt động sáp nhập và bình thường hóa quan hệ."

Ông Shtayyeh cho rằng mọi thỏa thuận bình thường hóa đều nhằm hợp pháp hóa việc nhà nước Do Thái chiếm đóng các vùng lãnh thổ Palestine.

Trước đó cùng ngày, hàng trăm người Palestine cũng đã tham gia một cuộc biểu tình tại Dải Gaza phản đối thỏa thuận Israel-UAE./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục