Lầu Năm Góc nhận ủng hộ vũ trang phe đối lập Syria

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thừa nhận Lầu Năm Góc ủng hộ đề xuất tăng vũ trang cho phe đối lập ở Syria đang giao chiến lật đổ chính quyền.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày 7/2 thừa nhận Lầu Năm Góc ủng hộ các đề xuất tăng cường vũ trang cho phe đối lập ở Syria đang giao chiến nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Theo hãng tin Pháp AFP, tại phiên chất vấn trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, cả Bộ trưởng Panetta và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey đều cho biết họ ủng hộ ý tưởng trên.

Đây là lần đầu tiên giới chức Lầu Năm Góc lên tiếng thừa nhận ủng hộ ý tưởng vũ trang và huấn luyện cho phe đối lập ở Syria, sau khi tờ Thời báo New York đưa tin về kế hoạch này hôm 2/2 vừa qua. Báo trên dẫn lời các quan chức Chính phủ Mỹ cho biết ý tưởng này được cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) David Petraeus khởi xướng hồi Mùa Hè năm ngoái, khi cuộc giao tranh đang lan khắp Syria.

Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Barack Obama sau đó đã bác bỏ kế hoạch này và kiên quyết chỉ viện trợ nhân đạo và viện trợ phi sát thương, do quan ngại những rủi ro của việc rót thêm vũ khí vào cuộc xung đột này.

Các phe đối lập Syria, mặc dù được Qatar và Arập Xêút hỗ trợ vũ khí, song vẫn là lực lượng được trang bị vũ khí nghèo nàn hơn so với quân đội chính phủ. Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 22 tháng qua tại Syria đến nay đã làm ít nhất 60.000 người thiệt mạng.

Khi giải trình vụ tấn công nhằm vào phái bộ Mỹ ở Libya, ông Panetta cho rằng quân đội Mỹ không phải là một dịch vụ gọi cảnh sát và nhân viên cứu hỏa phản ứng nhanh (911) sẵn sàng lao vào mọi tình huống khẩn cấp trên toàn thế giới.

Ông Panetta nhấn mạnh "không hề có tin tức tình báo cụ thể nào" về vụ tấn công này, và mặc dù Mỹ có các căn cứ quân sự ở châu Phi và Italy, các lực lượng này vẫn "không có đủ thời gian" để triển khai tới Benghazi. Ông Panetta cho biết thêm Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đang cân nhắc kế hoạch điều thêm 1.000 lính thủy đánh bộ có nhiệm vụ bảo đảm an ninh tại các cơ quan ngoại giao của Mỹ trên toàn thế giới.

Vụ tấn công nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Bengadi hồi tháng 9 năm ngoái khiến Đại sứ Mỹ tại Libya Chris Stevens cùng ba quan chức ngoại giao khác thiệt mạng.

Liên quan vấn đề ngân sách, Bộ trưởng Panetta nhận định việc cắt giảm ngân sách toàn diện sắp tới sẽ đẩy quân đội Mỹ vào cuộc khủng hoảng năng lực sẵn sàng chiến đấu trầm trọng nhất trong hơn một thập kỷ qua. Người đứng đầu Lầu Năm Góc hối thúc các nhà hoạch định chính sách Mỹ nhanh chóng ngăn chặn việc cắt giảm chi tiêu tự động để không gây ảnh hưởng tới quốc phòng. Theo ông Panetta, việc thiếu ngân sách quốc phòng tài khóa 2013 sẽ gây ra nhiều vấn đề.

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Panetta cũng đưa ra cảnh báo tương tự trong bài phát biểu được cho là cuối cùng trên cương vị ông chủ Lầu Năm Góc tại trường Đại học Georgetown ở thủ đô Washington.

Lời cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ được đưa ra trong bối cảnh ngân sách quốc gia có nguy cơ bị cắt giảm hàng tỷ USD nếu Quốc hội không đạt được một thỏa thuận tài chính mới trước thời hạn chót ngày 1/3 tới, theo đó ngân sách quốc phòng cũng sẽ bị cắt giảm khoảng 50 tỷ USD./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục