Các công ty công nghệ đang rơi vào tầm ngắm của chính phủ toàn cầu

LCác công ty công nghệ đang rơi vào tầm ngắm của chính phủ toàn cầu

Việc Trung Quốc phạt tập đoàn Alibaba hơn 2 tỷ USD do hành vi độc quyền đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các công ty công nghệ khác về yêu cầu tuân thủ theo các quy định của Chính phủ.
LCác công ty công nghệ đang rơi vào tầm ngắm của chính phủ toàn cầu ảnh 1(Nguồn: invest7979.com)

Đầu tháng Tư, Trung Quốc đã ra quyết định xử phạt tập đoàn thương mại điện tử Alibaba với một mức phạt cao kỷ lục là 2,8 tỷ USD do vi phạm luật chống cạnh tranh, đồng thời ra lệnh cho tập đoàn này điều chỉnh lại chức năng của công ty tài chính trực thuộc là Ant Group.

Hành động của Bắc Kinh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các công ty công nghệ khác về yêu cầu tuân thủ theo các quy định của Chính phủ.

Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã hé lộ kế hoạch ban hành các quy định sâu rộng hơn, nhằm hạn chế các công nghệ được hỗ trợ bởi trí thông minh nhân tạo (AI).

Tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden cũng đã cơ cấu lại bộ máy chính quyền của mình bằng một loạt nhân sự thân tín, những người có khả năng sẽ tập trung sự chú ý vào những “gã khổng lồ” công nghệ như Amazon, Facebook và Google.

[Trung Quốc phạt tập đoàn Alibaba hơn 2 tỷ USD do hành vi độc quyền]

Theo bài viết đăng tải trên tờ New York Times và được tờ WAtoday của Australia dẫn lại, trên khắp thế giới, các chính phủ đang tiến hành đồng thời nhiều biện pháp để hạn chế quyền lực của các công ty công nghệ với mức độ khẩn cấp và rộng lớn mà chưa một ngành công nghiệp nào phải trải qua trước đó.

Động lực của mỗi quốc gia là khác nhau. Tại Mỹ và châu Âu, các nhà lãnh đạo lo ngại rằng các công ty công nghệ đang kìm hãm sự cạnh tranh, lan truyền thông tin sai lệch và làm xói mòn quyền riêng tư.

Tại một số quốc gia khác, đó là hành động dập tắt tiếng nói của các phong trào phản đối và thắt chặt quyền kiểm soát chính trị.

Ở một số nơi, động lực có lẽ đến từ cả hai lý do trên. Những hành động mới nhất của các chính phủ đã đẩy ngành công nghiệp này đến một dấu mốc mới có thể định hình lại cách thức hoạt động của hệ thống Internet toàn cầu và làm thay đổi các luồng dữ liệu kỹ thuật số.

Australia đã thông qua luật buộc Google và Facebook phải trả tiền cho những nhà xuất bản tin tức. Anh tạo lập một cơ quan quản lý công nghệ của riêng nước này để kiểm soát ngành công nghiệp Internet. Ấn Độ thông qua các quy định mới áp dụng cho truyền thông xã hội.

Trong khi đó, Nga điều chỉnh lưu lượng của nền tảng mạng xã hội Twitter. Tại Myanmar và Campuchia, chính phủ hai nước có tăng thêm các biện pháp hạn chế Internet xuất hiện rộng rãi.

Và cuối cùng, Trung Quốc, quốc gia đã để cho các công ty công nghệ của mình tự do cạnh tranh và củng cố vị trí, cũng thắt chặt hạn chế đối với lĩnh vực tài chính kỹ thuật số và ban hành luật chống độc quyền vào cuối năm 2020.

Năm nay, cường quốc lớn thứ hai thế giới bắt đầu yêu cầu các công ty Internet như Alibaba, Tencent và ByteDance buộc phải công khai cam kết tuân thủ các quy định chống độc quyền của nhà nước.

Giáo sư Daniel Crane, Giảng viên luật tại Đại học Michigan và là chuyên gia về lĩnh vực chống độc quyền, nhận định: “Chưa từng thấy một cuộc đấu tranh song song nào đang diễn ra đồng thời trên toàn cầu như hiện nay.”

Ông cho rằng hành động phá vỡ độc quyền của Mỹ đối với các công ty thép, dầu khí và đường sắt vào thế kỷ thứ 19 bị hạn chế hơn nhiều, thậm chí ngay cả phản ứng của các cơ quan quản lý đối với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng không mạnh mẽ bằng.

Giáo sư Crane nói: “Cùng một câu hỏi cơ bản đang được đặt ra trên toàn cầu: Chúng ta liệu có thoải mái với những công ty như Google khi họ có được quá nhiều quyền lực như hiện nay?”

Về cơ bản, tất cả các tranh chấp đều có chung một chủ đề, đó là quyền lực. 10 công ty công nghệ lớn nhất hành tinh, đã trở thành những “người gác cổng” trong các lĩnh vực thương mại, tài chính, giải trí và truyền thông. Các công ty này hiện có tổng vốn hóa thị trường hơn 10.000 tỷ USD. Nếu so sánh với Tổng sản phẩm quốc nội, con số đó đưa 10 công ty trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Chính sách giữa các nước cạnh tranh với nhau

Mặc dù các chính phủ đều đồng ý rằng tầm ảnh hưởng của công nghệ đã phát triển quá rộng, nhưng có rất ít sự phối hợp về giải pháp. Các chính sách cạnh tranh đã dẫn đến xung đột địa chính trị.

Vào tháng trước, Chính quyền của Tổng thống Biden cho biết họ có thể áp thuế đối với các quốc gia thu thuế của các công ty công nghệ Mỹ.

Các nhà nghiên cứu cho biết, mạng Internet - một khoảng không gian kỹ thuật số không giới hạn, nơi mà các ý tưởng của tất cả các “đường sọc” cạnh tranh với nhau một cách tự do - có thể không còn tồn tại. Ngay cả ở những nơi trên thế giới không kiểm duyệt không gian mạng, vẫn có một loạt quy tắc được đặt ra, cho phép người dân có các quyền truy cập khác nhau, bảo vệ quyền riêng tư và tự do trên mạng của họ nhưng điều đó phụ thuộc vào địa chỉ mà họ đăng nhập.

Ông Quinn McKew, Giám đốc điều hành của Điều khoản 19, một nhóm vận động cho quyền kỹ thuật số, cho biết: "Ý tưởng về một Internet mở và có khả năng tương tác hóa ra là vô cùng mong manh."

Các công ty công nghệ đang tìm cách chống lại những chính sách mang tính định hướng này.

Tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), các công ty này đã chi rất nhiều tiền cho việc vận động hành lang.

Một số công ty, thừa nhận về quyền lực của mình, đã có động thái ủng hộ tăng cường thêm các quy định, đồng thời đưa ra cảnh báo về hậu quả của một mạng Internet toàn cầu bị phân tán.

Nick Clegg, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách và truyền thông của Facebook, nói: “Quyết định của các nhà lập pháp đưa ra trong những tháng tới và các năm tới sẽ có tác động sâu sắc đến mạng Internet, các liên minh quốc tế và nền kinh tế toàn cầu."

Ông Kent Walker, Phó Chủ tịch cấp cao về các vấn đề toàn cầu của Google, cũng đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia cần phối hợp với nhau.

Ông nói: “Các quy định thiếu nhất quán, ít cân nhắc, sẽ không giúp ích gì và thậm chí có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu thực hiện đúng, các quy tắc liên minh phù hợp sẽ có thể thúc đẩy sự đổi mới, tăng cường khả năng cạnh tranh và giúp ích cho các khách hàng, doanh nghiệp nhỏ.”

Amazon cho biết họ hoan nghênh sự giám sát chặt chẽ hơn, bởi “nếu chỉ coi thành công (của sự giám sát) là kết quả của hành vi chống cạnh tranh thì đơn giản đó là một sai lầm.”

Apple, Alibaba và Ant Group thuộc Alibaba, cùng với các công ty trò chơi điện tử khác của Trung Quốc và cả “gã khổng lồ” truyền thông xã hội Tencent - ông chủ của ứng dụng WeChat, đã từ chối đưa ra lời bình luận.

Các biện pháp phản ứng leo thang nhanh chóng

Cuối năm 2020, các nhà quản lý và nhà lập pháp toàn cầu đưa ra một loạt thông báo về hai đường hướng chính nhằm đưa các công ty công nghệ vào “tầm ngắm,” đó là quy định chống độc quyền và kiểm soát nội dung.

Ngày 9/12/2020, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ và gần như mọi tiểu bang tại nước này đã đưa đơn kiện lên lưỡng đảng, cáo buộc Facebook có hành vi chống cạnh tranh.

Chưa đầy một tuần sau đó, các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã ban hành luật cạnh tranh và quy định mới để ngăn chặn các tuyên bố thù địch trên mạng Internet.

LCác công ty công nghệ đang rơi vào tầm ngắm của chính phủ toàn cầu ảnh 2(Nguồn: Getty Images)

Ngày 24/12/2020, các nhà quản lý Trung Quốc mở cuộc điều tra chống độc quyền với Alibaba, sau khi hủy đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group.

Chống độc quyền và kiểm soát nội dung là hai vấn đề mà các công ty công nghệ dễ bị “sờ gáy” nhất.

Google, Facebook, Apple, Alibaba, Amazon và các công ty công nghệ khác rõ ràng đang thống trị lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, tìm kiếm, thương mại điện tử và ứng dụng thị trường ảo (marketplace).

Các công ty này phải đối mặt với câu hỏi liệu họ có lạm dụng sức mạnh của mình để thâu tóm đối thủ cạnh tranh, quảng bá sản phẩm trước các đối thủ khác và ngăn chặn cạnh tranh.

Các công ty cũng phải đối mặt với sự giám sát về cách mà các phát ngôn thù địch và những nội dung trực tuyến độc hại có thể tràn vào thế giới ngoại tuyến, dẫn đến những lời kêu gọi kiểm soát nội dung một cách tốt hơn.

Hành vi thúc đẩy chống độc quyền đã đặc biệt mạnh mẽ ở Mỹ, với các vụ việc mang tính bước ngoặt chống lại Google và Facebook vào năm ngoái.

Các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ cho biết họ đang soạn thảo các quy định chống độc quyền, quyền riêng tư và ngôn luận mới, nhằm vào Facebook, Google, Apple và Amazon.

Họ cũng đề xuất cắt giảm điều luật bảo vệ các website như YouTube, do Google sở hữu, khỏi các vụ kiện về nội dung do người dùng của những mạng này đăng tải.

Đại diện đảng Dân chủ David Cicilline, Chủ tịch Tiểu ban chống độc quyền của Hạ viện Mỹ, cho biết trong một tuyên bố: “Đây là thời điểm độc quyền, không chỉ đối với Mỹ mà còn là cả thế giới. Các quốc gia cần phải hợp tác với nhau để đoạt lại quyền lực độc quyền đang do các nền tảng công nghệ lớn nhất nắm giữ và khôi phục cạnh tranh, đổi mới cho nền kinh tế kỹ thuật số.”

Tổng thống Biden đã lựa chọn các nhà phê bình công nghệ vào những vị trí quan trọng trong chính quyền của ông.

Tim Wu, vị giáo sư luật, người luôn ủng hộ việc ngăn chặn Facebook, đã tham gia đội ngũ cố vấn tại Nhà Trắng cuối tháng trước, trong khi Lina Khan, một giáo sư luật khác, người có ảnh hưởng trong giới chống độc quyền công nghệ, đã được đề cử vào một vị trí thuộc Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ.

Tại Brussels, các quan chức EU đang làm việc để sớm giới thiệu một luật mới, buộc Facebook, Twitter và Youtube phải nhanh chóng loại bỏ các nội dung độc hại và tiết lộ thêm thông tin về cách thức những công ty này cho phép người dung đăng tải nội dung trên trang mạng của mình.

Ngoài ra, các quan chức châu Âu cũng đang nhắm đến những công nghệ mới nổi trước khi chúng trở thành xu hướng chủ đạo.

Dự thảo mới dự kiến sẽ đề cập đến những rủi ro của công nghệ AI, có khả năng hạn chế cách mà các công ty sử dụng phần mềm để đưa ra quyết định và ảnh hưởng tới hành vi của người dùng.

Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách chính sách kỹ thuật số, cho biết trong một phát biểu gần đây rằng, khi sức mạnh của các nền tảng kỹ thuật số ngày càng phát triển, chúng ta cần làm một điều gì đó tốt hơn để giữ nguồn sức mạnh này trong tầm kiểm soát.

Chiến thắng của Australia

Australia là một minh chứng rõ nét về câu chuyện căng thẳng giữa các chính phủ và những hãng công nghệ lớn.

Vào năm ngoái, quốc gia này đã đấu tranh với Google và Facebook về một dự thảo luật được đề xuất, nhằm yêu cầu hai “người khổng lồ” công nghệ trả tiền cho các nhà xuất bản tin tức để sử dụng phần nội dung được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội. Nhằm phản đối dự thảo luật, Google đã dọa không cung cấp công cụ tìm kiếm của công ty tại Australia.

Vào tháng Hai năm nay, Facebook đã bất ngờ chặn hoàn toàn việc chia sẻ liên kết thông tin từ các trang mạng nguồn của Australia trên mạng xã hội của công ty.

Ông Tim Berners-Lee, người phát minh ra mạng lưới World Wide Web và là người theo trường phái chỉ trích sức mạnh công nghệ, cho biết ông phản đối điều luật mà Australia dự kiến áp dụng vì mọi người sẽ không thể liên kết tự do trên các trang mạng Internet.

Ông gọi đó là điều "không phù hợp với cách mà các website có thể hoạt động trong suốt ba thập kỷ vừa qua."

Mặc dù vậy, Quốc hội Australia đã bỏ phiếu thông qua dự luật. Facebook và Google hiện cũng đã chấp nhận trả tiền sử dụng tin tức cho một số công ty truyền thông.

Sự quay lưng rõ ràng nhất chống lại các công ty công nghệ là tại Trung Quốc.

Trong nhiều năm nay, Bắc Kinh đã tiến hành ngăn chặn hàng loạt các website nước ngoài và kiểm soát nội dung nền tảng Internet nội địa.

Tuy nhiên, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn để các công ty công nghệ trong nước, như Alibaba và Tencent, được quyền thâu tóm đối thủ, phát triển các sản phẩm mới và bành trướng rộng hơn.

Nhưng điều này đã thay đổi vào năm ngoài. Trong các đề xuất về quy định pháp lý mới, Bắc Kinh đã hé lộ về mong muốn thu hẹp ngành công nghiệp đặc trưng bởi sự cạnh tranh gay gắt và ảnh hưởng đáng kể đến các vấn đề chính trị nhạy cảm như lao động và bảo mật dữ liệu.

Mặc dù vậy, rất ít các công ty có đủ sự chuẩn bị cho tốc độ thực thi pháp luật nhanh đến chóng mặt của Bắc Kinh.

Vào tháng 11/2020, các nhà chức trách Trung Quốc đã tạm dừng đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group, chỉ vài ngày trước khi việc này dự kiến diễn ra.

Sau đó, họ mở cuộc điều tra chống độc quyền đối với tập đoàn mẹ Alibaba vào tháng 12/2020.

Tỷ phú Jack Ma, người sáng lập tập đoàn Alibaba và là biểu tượng doanh nhân của Trung Quốc và thế giới, vào tháng 10 năm ngoái đã làm dậy sóng các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc khi ví các ngân hàng quốc doanh như những cửa hiệu cầm đồ.

Tháng này, Bắc Kinh lại tiếp tục tăng cường sức ép đối với công ty của tỷ phú Jack Ma bằng một án phạt 2,8 tỷ USD.

Ngày 12/4, Trung Quốc cũng yêu cầu Ant Group phải thực hiện một “kế hoạch cải chính” để thay đổi cách thức điều hành các sản phẩm đầu tư và tín dụng.

Sau đó, các nhà quản lý đã triệu tập 34 công ty Internet lớn nhất Trung Quốc, bao gồm cả Tencent và ByteDance, chủ sở hữu ứng dụng chia sẻ video TikTok, và “đưa ra toàn bộ ví dụ cảnh giác về trường hợp của Alibaba.”

Các công ty này được cho thời hạn một tháng để tiến hành tự kiểm tra và công khai hứa hẹn sẽ hạn chế hành vi chống lại sự cạnh tranh, tuân theo luật pháp Trung Quốc về mọi vấn đề, từ bảo vệ dữ liệu, thuế cho đến phát ngôn.

Chưa đầy một ngày sau, ByteDance đã cam kết sẽ “tích cực tuân theo hướng dẫn của các cơ quan thực thi pháp luật.”

Trong khi, Baidu, công cụ tìm kiếm phổ biến nhất tại Trung Quốc, tuyên bố sẽ “kiên quyết ngăn chặn những lời tuyên truyền sai trái."

Ông Jude Blanchette, một học giả chuyên về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở ở Washington, cho biết: “Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất coi trọng việc có một khu vực tư nhân yên ổn và trầm lắng.”

Trong một cuộc điện đàm với các nhà phân tích vào tháng trước, Martin Lau, chủ tịch của Tencent, đã đưa ra một giọng điệu hòa giải đối với các nhà chức trách.

Ông nói: “Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải hiểu nhiều hơn về những gì chính phủ đang lo ngại” và cho biết thêm, Tencent sẽ “tuân thủ nhiều hơn nữa”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục