Lễ cấp sắc ở Sa Pa

Lễ cấp sắc điểm nhấn của “Lễ hội trên mây Sa Pa”

“Lễ cấp sắc của người Dao đỏ” tại lễ hội trên mây Sa Pa đã trở thành điểm nhấn thu hút đông du khách đến Tả Van dịp lễ 30/4.
Trong cái mát dịu và khô ráo hiếm hoi của đất trời Sa Pa đầu Hè, du khách tham dự lễ hội trên mây Sa Pa lại được chứng kiến “Lễ cấp sắc của người Dao đỏ” - một hoạt động lần đầu diễn ra trong các kỳ lễ hội trên mây Sa Pa nên nó đã trở thành điểm nhấn thu hút rất đông du khách đến với điểm du lịch Tả Van ngày 30/4.

Theo các bậc cao niên của dân tộc Dao, lễ cấp sắc là nghi lễ độc đáo và được lưu truyền hàng ngàn đời nay trong cộng đồng người dân tộc Dao đỏ ở Lào Cai. Người Dao quan niệm, lễ cấp sắc là một thủ tục không thể thiếu đối với người đàn ông. Chỉ những người được cấp sắc mới được coi là người đàn ông đã trưởng thành.

Lễ cấp sắc của người Dao có nhiều bậc, bậc đầu tiên là cấp 3 đèn và 36 binh mã; bậc thứ 2 là cấp 7 đèn và 72 binh mã; bậc cuối cùng là 12 đèn và 120 binh mã. Thời gian kéo dài từ 1 đến 5 ngày, gồm lễ trình diện, gia chủ mổ lợn, gà để cúng tổ tiên. Trước khi làm lễ cúng, các thầy cúng phải tẩy uế nhà cửa của người được cấp sắc, sau đó đánh một hồi trống mời tổ tiên về dự. Thầy cúng làm lễ khai đàn nhằm báo cáo với tổ tiên biết lý do của buổi lễ.

Sau khi khấn vái, thầy cúng làm thủ tục xin âm dương, nếu thần linh đồng ý, người được cấp sắc sẽ chính thức được đặt tên âm và được công nhận là người đã trưởng thành, con trai không còn gọi theo cái tên Lý Láo Tả, Lý Láo Ú, Lý Láo San (anh cả, anh hai, anh ba nhà họ lý) mà có thể gọi theo tên mới do thầy cúng xin âm dương và đặt tên. Có thể thầy đặt cho bất kỳ như Lý Hùng Anh, Lý Hùng Thắng... nếu thấy hợp và làm nghi lễ buộc chỉ cổ tay cho người được cấp sắc. Con gái cũng vậy, bỏ cái từ đệm Tả mẩy, Sẻo Mẩy (chị cả, chị 2) thành Lý Thu Trang, Lý Thu Thủy...

Từ sau lễ cấp sắc, người được cấp sắc phải gọi thầy cúng đã làm lễ cho mình là cha. Lễ cấp sắc của người Dao mang tính giáo dục cao, thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp, người thụ lễ bước ra ngoài đời tuyệt đối không được làm điều ác, điều xấu.

Theo Ban tổ chức Lễ hội trên mây Sa Pa, việc tạo dựng trọn vẹn một nghi lễ cấp sắc rất kỳ công. Ngoài một không gian làm lễ nghiêm trang, đầy đủ thủ tục, người thầy và những người phụ lễ đều phải ăn mặc trang phục mới đầy đủ các vai theo cấp bậc quan binh. Xuyên suốt trong toàn bộ quá trình hành lễ là những nghi thức mang tính tôn giáo tín ngưỡng từ khâu dâng lễ đến khi hạ lễ không một khâu nào được xem nhẹ.

Người hành lễ không chỉ nắm chắc các bước khi tiến hành thủ tục mà còn phải biểu diễn sao cho người xem hiểu được tục cấp sắc của dân tộc mình là một phong tục mang đậm nét văn hóa. Chính vì vậy, Lễ hội trên mây Sa Pa đã có nhiều năm nay, nhưng để tái hiện lễ cấp sắc của người Dao, phải đến chương trình “Lễ hội trên mây Sa Pa” 2012 mới có thể thực hiện được trọn vẹn.

Ông Thái Bá Lợi, một du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, người đã từng học Lịch sử và nghiên cứu khá sâu về môn Dân tộc học, thừa nhận, ngoài tính công phu, hoành tráng của nghi lễ, lễ cấp sắc mang một ý nghĩa lớn như tấm thẻ để công nhận con người đã trưởng thành với đầy đủ trách nhiệm và quyền lợi của người công dân, trong đó quan trọng nhất là lời giáo huấn "tuyệt đối không được làm điều ác, điều xấu". Đây là một lễ hội nên duy trì, ông Lợi nói.

Theo Ban tổ chức Lễ hội trên mây, còn một ngày nữa mới kết thúc các hoạt động lễ hội khai mạc cho mùa hè du lịch Sa Pa, nhưng có thể khẳng định rằng, Lễ hội trên mây Sa Pa năm nay đã thành công, nhất là các hoạt động như "Lễ cấp sắc của đồng bào Dao", hoạt động du lịch cộng đồng tại Tả Phìn, du lịch văn hóa tại Hàm Rồng và các triển lãm tranh ảnh, hoa, cây cảnh đã thực sự trở thành những điểm nhấn quan trọng phần nào thỏa mãn nhu cầu vui chơi giải trí của đông đảo du khách trong những ngày nghỉ lễ đến với Sa Pa./.

Lục Văn Toán (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục