Lễ đón chính thức các Trưởng đoàn dự Hội nghị G20

Tối 11/11, Lễ đón chính thức các Trưởng đoàn dự Hội nghị G20 diễn ra trọng thể tại Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc ở thủ đô Seoul.
Tối 11/11, Lễ đón chính thức các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã diễn ra trọng thể tại Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc ở thủ đô Seoul.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân đã tham dự Lễ đón.

Tổng thống Lee Myung Bak và Phu nhân đã đón chào các Trưởng đoàn và Phu nhân ngay tại Đại sảnh Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc.

Sau Lễ đón chính thức, các Trưởng đoàn có buổi làm việc không chính thức, trong đó thảo luận các vấn đề về kinh tế toàn cầu và khuôn khổ tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và cân bằng, nhằm chuẩn bị cho Phiên toàn thể chính thức vào ngày 12/11.

Phát biểu khai mạc, Tổng thống Hàn Quốc bày tỏ mong muốn các nhà lãnh đạo sẽ đạt được kết quả làm việc có ý nghĩa, đưa ra phương hướng và tầm nhìn cho nền kinh tế toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo cũng nghe Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Dominique Strauss Kahn trình bày báo cáo về tình hình kinh tế thế giới.

Tại buổi làm việc, các nhà lãnh đạo cho rằng thời gian qua, bên cạnh những nỗ lực của từng quốc gia, sự phối hợp chính sách chưa từng có ở cấp độ khu vực và toàn cầu dưới sự dẫn dắt của G20 là nguyên nhân quan trọng hàng đầu giúp kinh tế thế giới có những bước phục hồi nhanh chóng.

Thông điệp mạnh mẽ của G20 về quyết tâm hợp tác và phối hợp chính sách đã góp phần ổn định các thị trường, khôi phục lòng tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư.

Để nâng cao hiệu quả thực thi các cam kết của G20, ngoài việc duy trì phối hợp chính sách giữa các nước thành viên G20, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp chính sách giữa G20 với các nhóm nước và tổ chức khu vực.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp với Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi nhằm tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư... giữa hai nước.

Tại cuộc gặp, hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước, nhất là trong lĩnh vực chính trị và trao đổi đoàn cấp cao. Hai nước có nhiều tiềm năng để phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong những lĩnh vực Italy có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, công nghiệp nhẹ và truyền thông…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng Việt Nam coi trọng tăng cường hợp tác toàn diện với Italy, đánh giá cao hiệu quả hoạt động của các dự án đầu tư của Italy tại Việt Nam, đề nghị Italy tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực đạt nhiều hiệu quả như môi trường, y tế, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thủ tướng mong muốn Italy, với tư cách là một trong những nhà tài trợ chủ chốt, tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển và kém phát triển đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ đúng thời hạn.

Thủ tướng Berlusconi đánh giá Việt Nam là nền kinh tế phát triển tích cực và năng động trong khu vực, khẳng định Italy coi trọng thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Việt Nam.

Thủ tướng Italy nhấn mạnh ngày càng có nhiều bạn bè và doanh nghiệp nước này quan tâm đến Việt Nam, muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, văn hóa, khoa học-kỹ thuật...

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai Thủ tướng đánh giá cao vai trò và vị thế của mỗi nước trong các tổ chức và diễn đàn khu vực và quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối thúc đẩy quan hệ giữa Italy với khu vực ASEAN và quan hệ ASEAN-EU.

Còn Thủ tướng Berlusconi khẳng định ủng hộ Việt Nam phát triển quan hệ với EU và các nước châu Âu.

Hai nhà lãnh đạo tin tưởng với quyết tâm và tiềm năng của hai nước, hợp tác song phương sẽ thành công tốt đẹp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục