Có tích mới dịch nên trò

Lê Hoàng gửi gì trong "Những thiên thần áo trắng?"

Có câu: Có tích mới dịch nên trò, nhưng "tích" của “Những thiên thần áo trắng” không từ thực tế, nên dù "trò" diễn "xôm" vẫn trôi tuột...
Cuối cùng thì bộ phim truyền hình “Những thiên thần áo trắng” cũng đã kết thúc, nhưng dư âm của nó thì vẫn còn mà nổi bật là sự thất vọng lớn lao của khán giả với đạo diễn Lê Hoàng.

Lê Hoàng là Tôn Ngộ Không?

Nhớ lúc “khai màn” tuyên truyền về bộ phim, đạo diễn Lê Hoàng đã tuyên bố là phim truyền hình Việt Nam không hay, và ông phải từ lĩnh vực phim truyện nhựa nhảy sang làm phim truyền hình… Với tuyên bố hùng hồn vậy, và với những thành công nhất định trên lĩnh vực phim nhựa của Lê Hoàng - cũng là nhà báo Lê Thị Liên Hoan nên khán giả truyền hình đã chờ đơi và kỳ vọng ở một “Những thiên thần áo trắng” đặc sắc "kiểu Lê Hoàng."

Nhưng rồi hàng chục tập phim lần lượt ra mắt, người quan tâm vẫn không thể hiểu được ý đồ của nhà biên kịch kiêm đạo diễn này là gì bởi "kiểu Lê Hoàng" thì có, nhưng đặc sắc thì lại không. Với "Những thiên thần áo trắng" Lê Hoàng lại cho ra đời một "kiểu... không hay mới cho phim truyền hình."

Có lẽ sự "đặc biệt" nhất là tuy tác giả, đạo diễn Lê Hoàng không hề có mặt nhưng trong tất cả các cảnh phim, trong mỗi lời thoại của bất cứ nhân vật nào đều thấy rõ "giọng điệu" Lê Hoàng. Có cảm giác, trong "Những thiên thần áo trắng," Lê Hoàng đã phân thân như Tôn Ngộ Không, thành thử trong mỗi tập phim có hàng chục Lê Hoàng cãi lộn trên màn hình tivi. Mà trong phim lại toàn nhân vật tuổi teen nên kiểu lý sự "già đời" văn phong rất Lê Thị Liên Hoan thật khó nghe!

Một khán giả là chị Mai ở Mỹ Đình, Hà Nội, bình luận: tôi thích Lê Thị Liên Hoan (Lê Hoàng) lắm và là độc giả trung thành của tác giả này, nhưng khi ở trên phim, từ cô hiệu trưởng, cô chủ nhiệm cho đến các em học sinh, phụ huynh - tất cả đều nói cái giọng cực kỳ lợi khẩu, ngôn từ kể cả ngữ điệu lẫn phong cách đều "liên hoan" thì thật không thể chịu nổi, làm gì có cuộc đời mà toàn những người giống nhau như thế.

Không chỉ riêng lời thoại việc "lý luận" kiểu Lê Hoàng, các diễn biến, trang phục, của phim đều làm người xem truyền hình trên cả nước ít nhiều ngơ ngác. Xem phim Việt Nam mà ngỡ như phim của nước nào đó  hay ở một hành tinh xa xôi nào khác biệt.

“Có tích mới dịch nên trò”

Điều quan trọng nhất của phim truyền hình (khác với phim nhựa) là hướng đến đại chúng. Phim truyền hình đến tận bàn ăn, giường ngủ, đến mọi vùng quê và bản làng xa xôi nên “tội” xa rời thực tế là... tội rất to của Lê Hoàng.

Đơn cử như chuyện để July Miu được các bạn đưa đi phá thai không thành, sau đó ôm bụng bầu đến lớp học. Từ hiệu trưởng đến giáo viên nháo nhác và khó xử. Rồi July Miu bất ngờ lôi từ trong bụng ra một chiếc gối bông. Thế là xây dựng xong bài học giáo dục giới tính nhằm răn dạy các bạn trẻ. Sao mà kỳ quặc quá thể!

Anh Lương ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, thậm chí cho rằng: “Tôi nghi là lúc đầu định cho mang thai thật, rồi định giải quyết theo kiểu vừa mang thai vừa đi học... nhưng thấy khó nhằn quá, không xử lý được nên đột xuất quyết định nhân vật phải mang thai giả.”

Hay trong các tập phim cứ điểm xuyết một nhóm thanh niên trẻ có vẻ “xã hội đen” (Đứng đầu là nhân vật Vằn bặm trợn do Lan Phương thể hiện) đi xe máy phân khối lớn, ăn mặc kỳ quặc, hành tung ma quái lại có thể bắt thân với nhóm “con ngoan trò giỏi” lớp 12A kia. Cô Vằn còn dạy nhóm 12A: Các cậu theo số đông vì muốn an toàn…Học không phải là ngồi trong lớp và học qua sách vở…

May thay, tuy rất lẻ loi nhưng có người xem phát biểu: “Thật sự thì tôi vẫn thấy phim này có gì đó xem được. Không biết có phải vì đã đọc Lê Thị Liên Hoan nhiều quá không, nhưng tôi thấy Lê Hoàng gửi khá nhiều thứ trong phim này, kể cả hình tượng cái mũ, trang phục... Một điều gì đó mong muốn được thay đổi, một chuẩn mực mà xã hội cần vươn tới, tất nhiên là trong mắt Lê Hoàng thôi.”

Song nhiều nhất là loại ý kiến: “Tôi phát sốt lên vì cái phim đó. Sao một người như Lê Hoàng lại có thể làm phim đó? Tôi nghĩ phim của anh phải có tầm hơn, và ít nhất là không nhố nhăng như thế. Tôi không thích cái giọng quá triết lý mọi lúc của bác ấy.”

Và thế thì ngỡ bài học làm học trò với các cô cậu lớp 12A đã thành bài học làm trò… diễn với tác giả kiêm đạo diễn rồi. Bởi vì các cụ ta có câu: “Có tích mới dịch nên trò”. Cái khó chấp nhận nhất của “Những thiên thần áo trắng” là không có “tích.”  “Tích” không bắt nguồn từ thực tế, nên không đi vào đời sống. Và nhân vật chỉ là cái loa phát ngôn cho ý tưởng của tác giả thì trò có diễn "xôm" mấy cũng không ra làm sao, mà phim truyền hình phải đi từ cuộc sống vào phim để rồi lại từ phim phản hồi lại cuộc sống./.

Nguyễn Kim Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục