Lễ hội đền Hùng: Ghi nhận trước giờ G

Truyền thuyết kể rằng, cứ mùng 9 tháng 3 hàng năm, trời sẽ đổ xuống đền Hùng một trận mưa thật to để “rửa” đền. Mọi bụi bặm sẽ trôi hết đi để đón chờ giờ Đại lễ. Năm nay, trời lại hửng lên và ấm dần cho đến giờ thiêng. Điều đó khiến lượng du khách kéo về đền ngày một đông.

Truyền thuyết kể rằng, cứ mùng 9 tháng 3 hàng năm, trời sẽ đổ xuống đền Hùng một trận mưa thật to để “rửa” đền. Mọi bụi bặm sẽ trôi hết đi để đón chờ giờ Đại lễ. Năm nay, trời lại hửng lên và ấm dần cho đến giờ thiêng. Điều đó khiến lượng du khách kéo về đền ngày một đông.

Lượng khách bất ngờ tăng cao

Năm ngoái, lượng khách về với đất Tổ trong những ngày chính hội là khoảng 3 triệu lượt người. Năm nay, do những ngày đầu thời tiết không ủng hộ nên Ban tổ chức ước đoán lượng du khách tham gia hội chỉ còn khoảng hơn 2 triệu người. Tuy nhiên, cho đến chiều ngày mùng 9 – 3 (Âm lịch), số người dự lễ đã bất ngờ tăng vọt. Cho đến tận cuối giờ chiều, hàng vạn lượt du khách vẫn nườm nượp kéo về trung tâm khu di tích. Đường lên các đền ken cứng người.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Tiến Khôi, Giám đốc khu di tích lịch sử đền Hùng cho biết: “Lượng du khách tăng cao đã nằm ngoài dự kiến của chúng tôi.”

Ông Khôi cũng khẳng định đông như thế, Ban tổ chức vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì ngày Quốc giỗ đang ngày càng được con cháu quan tâm hơn, chứng tỏ tầm vóc của nó ngày càng lớn hơn. Còn lo vì “dù mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất, nhưng với lượng người đổ về như thế này, tôi sợ vẫn không thể “kham” nổi” bởi lực lượng an ninh liên ngành chỉ vào khoảng 30 người, kết hợp với gần 20 thanh tra văn hoá thì khó lòng quán xuyến việc đảm bảo, giữ gìn trật tự trong thời gian lễ hội.

Bằng chứng là đội ngũ hàng rong hùng hậu vẫn lợi dụng đám đông len lỏi khắp nơi, lẫn vào dòng du khách nườm nượp. Dọc đường vào đền Giếng, hàng loạt đồ lưu niệm, đồ ăn thậm chí còn được bày bán la liệt. Thấy bóng lực lượng chức năng, những người này lại cuốn tất cả vào một bao ni lông, vứt lên trên đồi chạy tháo thân, đợi “yên” là quay lại.

Bà Nguyễn Thị Nhung (Từ Sơn – Bắc Ninh) năm nào cũng đi Quốc giỗ thì tỏ ra không hài lòng: “Tôi thấy tình trạng này năm nào cũng diễn ra mà Ban tổ chức không tìm được biện pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn. Bán hàng rong, rồi ăn xin khiến cho du khách không toàn tâm với ngày Giỗ tổ được”

Bùng phát dịch vụ tư nhân


Du khách đông đột biến vào cuối giờ chiều cũng khiến các nhà nghỉ xung quanh khu vực đền được dịp đẩy giá “leo thang”, trong khi Ban tổ chức tỏ ra khá thờ ơ với thực tế này.

“Nhà nghỉ tư nhân không nằm trong diện quản lý của Ban tổ chức. Việc khách chịu giá cao hơn là do họ chấp nhận thỏa thuận với chủ nhà nghỉ. Vì vậy chúng tôi không thể tiến hành thanh, kiểm tra giá được”, ông Khôi nói. Chính vì vậy nên để được nghỉ qua đêm tập thể trong một căn nhà tồi tàn chỉ trải chiếu trơn dưới nền xi măng, anh Vũ Hoàng Giang (Bắc Giang) đã phải bỏ ra 100.000 đồng.

Giá nghỉ ngơi tại các khách sạn xa hơn về phía đại lộ Hùng Vương cũng đã tăng thêm từ 100.000 đến 250.000 đồng. Tại khách sạn Cầu Tây, giá một phòng nghỉ loại “bình dân” là 450 nghìn đồng/đêm. Khách sạn Hữu Nghị cách đó không xa cũng yêu cầu khách phải trả 400.000 đồng...

Cho đến 10h đêm, khi có khách hỏi, một số điểm thậm chí còn đẩy giá lên mức 600.000 đồng cho một đêm ngủ trọ. Những người đến muộn đành ngậm ngùi “ở ghép” với mức giá 50.000 đồng/đêm. Anh Trần Thanh Sơn (Bắc Ninh) than thở: “Năm ngoái, chúng tôi chỉ mất khoảng 200.000 đồng đã có một phòng rộng rãi cho 3 người. Với giá đấy năm nay thì còn không được cả phòng đơn nữa”.

Theo điều tra của Vietnam+, mặc dù so với các năm trước, giá nhà nghỉ đã tăng thêm từ 100.000 đến 150.000 đồng nhưng cho đến 16h chiều, các nhà nghỉ xung quanh khu vực vẫn “cháy” phòng.

Cùng với nhà nghỉ, giá trông giữ xe tại những bến tư nhân trước giờ G cũng tăng cao. Giá xe máy gửi lấy ngay là 10.000 đồng. Nếu qua đêm sẽ tăng lên từ 30.000 đến 50.000 đồng. Ô tô thì chịu mức 50.000 – 100.000 đồng/ xe.

Chưa hết, tại một số quán ăn ngay trong khuôn viên khu di tích còn treo biển bán thịt thú rừng hoang dã.

Trước sự bất hợp lý này, ông Khôi khẳng định đã có Thanh tra để nhanh chóng xử lý, tịch thu và bồi hoàn lại cho du khách. Tuy nhiên, theo ghi nhận của Vietnam+, những bãi giữ xe tư nhân xung quanh khu vực đền vẫn vô tư đỏ đèn đón khách. Còn quán ăn nọ, với đặc sản hương rừng đang nườm nượp đón người qua lại "thưởng thức"./.

Cho đến 23h ngày 3/4, trả lời Vietnam+, ông Khôi khẳng định, lực lượng Thanh tra và an ninh vẫn đang tiến hành công việc sát sao. Để kịp thời ứng phó với tình trạng số người đổ về đông đột biến, Ban tổ chức cũng đã lên kế hoạch cụ thể để “phân luồng” du khách, đảm bảo an toàn, trật tự cho lễ hội. Kế hoạch này được giao cho các bên có liên quan cùng thực hiện.

Nhóm PV (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục