Lễ Ok-Om-Bok được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ Ok-Om-Bok được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 1 (Ảnh minh họa: Trung Hiếu/TTXVN)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố lễ hội Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ tư của tỉnh Trà Vinh được công nhận.

Trước đó, lễ hội Cúng biển Mỹ Long, Nghệ thuật Chầm Riêng - Chà Pây của nghệ nhân Khmer xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú... đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Ok-Om-Bok còn gọi là lễ cúng trăng, một trong 3 lễ chính hàng năm của đồng bào Khmer Nam bộ (Sêne Đolta, Ok-Om-Bok và Chôl-Chnam-Thmây) được tổ chức vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hàng năm, thời điểm vừa kết thúc vụ lúa mùa.

Theo quan niệm tín ngưỡng của người Khmer, mặt trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm. Lễ cúng trăng thường được tổ chức tại phum sóc, ở sân chùa hay khuôn viên nhà. Đồng bào Khmer cúng tạ ơn thần mặt trăng trong năm đã cho mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu và cầu cho năm tới, thời tiết được thuận lợi, giúp người dân trúng mùa, no đủ…

Trong những ngày diễn ra lễ hội, tỉnh Trà Vinh còn tổ chức nhiều hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí như đua ghe ngo, đánh bóng chuyền, các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, hội chợ thương mại, …

Trà Vinh hiện có hơn 320.000 người dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 32% dân số của tỉnh. Hàng năm, vào dịp lễ hội Ok-Om-Bok, tại khu di tích văn hóa Ao Bà Om thu hút hàng ngàn người dân trong tỉnh và du khách các nơi về vui lễ cùng đồng bào Khmer Trà Vinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục