Lễ trao Giải báo chí quốc gia lần thứ 3-2008

Tối 21/6, kỷ niệm 84 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, lễ trao Giải thưởng báo chí quốc gia lần thứ 3-2008 đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Tối 21/6, kỷ niệm 84 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, lễ trao Giải thưởng báo chí quốc gia lần thứ 3-2008 đã diễn ra trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
 
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tham dự, phát biểu ý kiến và trực tiếp trao giải thưởng cho 3 nhóm tác giả xuất sắc nhất đạt giải A gồm: Nhóm tác giả Ngô Mai Phong, Đinh Công Thắng của báo Lao Động với tác phẩm “Cuộc chiến chống than lậu ở Quảng Ninh”; nhóm tác giả Lê Văn Phúc, Nguyễn Tuyết Yến, Hồ Minh Khánh của hệ thời sự chính trị tổng hợp VOV1, Đài tiếng nói Việt Nam với tác phẩm “Tìm mô hình tổ chức sản xuất mới trong nông nghiệp”; nhóm tác giả Minh Thu, Lê Kiệt của Đài Phát thanh-Truyền hình Đồng Nai với tác phẩm “Cảnh báo nạn bạo hành trẻ em”.
 
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn coi trọng, đánh giá cao sức mạnh to lớn, vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế, thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn đan xen và diễn biến mau lẹ, vai trò của báo chí đối với xã hội ngày càng trở nên quan trọng hơn, trách nhiệm của báo chí đối với đất nước, với nhân dân càng nặng nề hơn, Chủ tịch nói.
 
"Báo chí không chỉ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân mà còn phản ánh kịp thời, phân tích, đánh giá đúng mức, góp phần nâng cao nhận thức của người dân và định hướng dư luận xã hội về các sự kiện, các vấn đề thời sự trong nước và trên thế giới," Chủ tịch Nguyễn Minh Triết khẳng định. "Báo chí của chúng ta có trách nhiệm phát hiện, phản ánh kịp thời các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, các mô hình tốt, đạt hiệu quả cao trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; kịp thời đưa ra ánh sáng những vụ việc tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng tiêu cực trong xã hội, những âm mưu, thủ đoạn và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch..."
 
Chủ tịch nước nhấn mạnh, các nhà báo phải học tập, rèn luyện không ngừng và đặc biệt phải nỗ lực phấn đấu nâng cao tính tư tưởng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động báo chí. Đó là một yêu cầu khách quan của báo chí hiện đại, đồng thời cũng là một bài học sâu sắc từ thực tiễn của báo chí nước nhà trong những năm qua. Đó cũng là một trong những điều kiện quan trọng đảm bảo cho mỗi nhà báo hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy, yêu mến của Đảng, Nhà nước.
 
Chủ tịch nước mong muốn: Trên cơ sở thành công của Giải báo chí quốc gia lần này, Hội đồng giải cần kịp thời rút kinh nghiệm, tìm ra các biện pháp nhằm hướng dẫn, động viên những người làm báo ở tất cả các địa phương, đơn vị trong cả nước hăng hái sáng tạo, tích cực tham gia Giải báo chí quốc gia hơn nữa, làm cho uy tín của giải ngày càng nâng lên, thu hút sự quan tâm không chỉ của báo giới mà của cả xã hội. Đồng thời cũng đấu tranh ngăn chặn những xu hướng lệch lạc, xa rời tôn chỉ mục đích của báo chí cách mạng, thương mại hóa báo chí, sa sút đạo đức nghề nghiệp... Phải làm cho tính tư tưởng chính trị, xã hội của báo chí ngày càng phát huy mạnh mẽ hơn nữa...
 
Tổng kết Giải thưởng báo chí quốc gia lần thứ 3-2008, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giải báo chí quốc gia 2008 Đinh Thế Huynh nhận xét, tuy chưa thể phản ánh đầy đủ diện mạo và chất lượng của báo chí nước nhà trong năm 2008, các tác phẩm đoạt Giải báo chí quốc gia lần thứ 3 là những tác phẩm xuất sắc, thể hiện nỗ lực của những người làm báo Việt Nam, phản ánh cuộc sống sôi động đang diễn ra trên đất nước ta, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước, cổ vũ, động viên nhân dân phấn đấu vì mục tiêu cao đẹp: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tham dự Giải báo chí quốc gia lần thứ 3 có 977 tác phẩm của tác giả, nhóm tác giả trong cả nước. Sau vòng sơ khảo đã có 146 tác phẩm thuộc 8 loại giải được chọn vào vòng chung khảo. Hội đồng đã quyết định trao giải thưởng cho 52 tác phẩm xuất sắc nhất, ngoài 3 giải A nêu trên còn có 12 giải B, 37 giải C, 28 giải khuyến khích. Ban tổ chức cũng trao giấy chứng nhận và tiền thưởng cho 66 tác phẩm vào vòng chung khảo nhưng không đạt giải...
 
Các nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam, vinh dự được nhận 4 giải thưởng và 2 tặng thưởng: 3 giải C được trao cho nhóm tác giả Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Hải, Chu Quốc Hùng, Điêu Chính Tới của báo Tin Tức với tác phẩm “Di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La-Bản Chát: Sóng ngầm nơi bản mới”; tác giả Phạm Thanh Hương, Bản tin Kinh tế Việt Nam và thế giới với tác phẩm “Công bằng và bền vững cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân”; tác giả Nguyễn Thanh Long, Ban biên tập sản xuất ảnh báo chí với tác phẩm “Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Tất cả cho ngày vận hành”. Một giải khuyến khích thuộc về tác giả Lan Xuân, Ban biên tập sản xuất ảnh báo chí với tác phẩm “Cháu Huyền Thương kể chuyện Bác Hồ”.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục