"Lều chõng" lên sóng

"Lều chõng" của Ngô Tất Tố lên sóng truyền hình

Tiểu thuyết "Lều chõng" của nhà văn Ngô Tất Tố đã được chuyển thể thành kịch bản phim do Hãng phim Truyền hình TP.HCM sản xuất.
Tiểu thuyết "Lều chõng" của nhà văn Ngô Tất Tố được nhà biên kịch Lê Ngọc Minh chuyển thể kịch bản phim truyền hình và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân dàn dựng thành bộ phim dài 23 tập cho Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh TFS.

Tuy chưa ra mắt khán giả, nhưng tại lễ trao giải Cánh diều vàng 2009 mới đây bộ phim truyền hình “Lều chõng” đã được vinh danh khi đoạt giải Cánh diều bạc cho thể loại Phim truyền hình dài tập và đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đoạt giải Cánh Diều Vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất.

Lều chõng là cái nghiệp, cái nợ bút nghiên của những thầy đồ, thầy khóa, là ước mong làm mệnh phụ phu nhân, bà nghè, bà bảng của những thiếu nữ thời xưa, là giấc mộng vinh hiển của cả một gia đình, họ tộc. Để đạt được ước mộng xa vời đó, người ta sẵn sàng đánh đổi tất cả, không hiếm khi bằng cả mạng sống của mình.

Câu chuyện như những thước phim tư liệu quay chậm. Xem phim những thế hệ hôm nay sẽ phần nào hiểu được những phận người lều chõng long đong thời xưa, về nền giáo dục mục nát dưới triều Nguyễn, cách tổ chức điều hành làng xã, những phong tục tập quán, tín ngưỡng đặc thù, đặc biệt là hé lộ hệ thống thi cử thời phong kiến với nhiều chi tiết vô cùng thú vị.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn đã tạo nên những thước phim đẹp nao lòng từ quang cảnh đến tình người trong phim, bề ngoài là làng quê yên ả nhưng bên trong lại “dậy sóng” với định kiến về công danh.

Bối cảnh trong phim đậm chất Việt Nam, trải dài từ làng cổ Đường Lâm ở Sơn Tây, làng Đình Bảng ở Bắc Ninh, đến tận Huế, Hội An... Sân đình, hội làng, nhà cổ cùng những phong tục tập quán “vinh quy bái tổ” của quan nghè, lớp học của các thầy đồ, đám cưới xưa, hát ả đào ..., đều được tái hiện rõ ràng qua từng tập phim với những biến cố gay cấn.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho biết ông đã bỏ rất nhiều công sức cho bộ phim, việc chuẩn bị và thực hiện bộ phim kéo dài đến hai năm trời. Cái khó nhất là việc chọn tìm bối cảnh cho hợp với thời cách đây hơn một trăm năm, cảnh xưa nay đã khác nhiều, cho nên việc chọn góc máy quay sao cho phù hợp là điều không dễ.

Các nhà làm phim rất hài lòng khi tìm được một ngôi nhà cổ hơn 300 năm. Việc chọn trang phục cho phù hợp thời xưa cũng rất được chú ý. Tất cả trang phục được may tay bằng chất liệu vải xưa.

Tham gia bộ phim là dàn diễn viên trẻ như Thu Trang (tiểu thư Ngọc), Hoàng Trung Sơn (Vân Hạc), Lê Thiện Tùng (Quan nghè Trần Đằng Long), ca sĩ Duy Khoa (Đốc Cung). Các diễn viên trẻ đã thể hiện khá thành công những nhân vật cùng trang lứa mình ở thời trước. Tham gia bộ phim còn có nghệ sỹ nhân dân Như Quỳnh trong vai Bà Đồ, nghệ sỹ Anh Thái (cụ Bảng).

Dù là câu chuyện thời xưa về quan trường, thi cử, tâm lý sĩ tử và cả những vấn nạn trong kỳ thi… tất cả những vấn đề này, hiện vẫn còn nguyên tính thời sự nóng bỏng của nó.

Hướng tới kỷ niệm Đại lễ ngàn năm Thăng Long-Hà Nội, phim sẽ được phát sóng vào lúc 18 giờ từ ngày 31/8, vào các ngày chủ nhật, thứ hai, thứ ba và thứ tư hàng tuần trên kênh HTV9./.

Hạnh Long (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục