LFP hoãn trận cầu “kinh điển” vì cúm A/H1N1

Ban tổ chức giải chuyên nghiệp Pháp (LFP) đang chịu "búa rìu" dư luận bởi quyết định lúc hoãn, lúc không, trận Marseille-PSG vì cúm A/H1N1.
Định hoãn. Không hoãn nữa. Rồi lại hoãn. Câu chuyện tưởng chừng đơn giản xoay quanh những quyết định về số phận của một trận cầu bỗng nhiên làm bộc lộ những yếu kém khó chấp nhận trong cách điều hành của Ban tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Pháp (LFP). Nếu trận đấu bị hoãn không phải là Marseille-PSG, mọi chuyện sẽ trở nên vô cùng đơn giản. Thế nhưng vì đây là một trận cầu không chỉ mang ý nghĩa bóng đá đơn thuần, mà còn đại diện cho những cuộc đấu tranh bất tận trong lòng nước Pháp về kinh tế, chính trị và văn hóa, những quyết định liên quan đến nó giống như ngòi nổ cho những “quả bom” bùng phát ở mọi nơi. Hãy bắt đầu từ những con phố ở thành phố cảng Marseille. Ngay sau khi phán quyết hoãn trận “Le Classique” được ban ra, những tên “hooligan” của nước Pháp bắt đầu hành động. Tất cả đã lên lịch cho một màn bạo loạn “tới bến” từ trước khi trận đấu diễn ra, và việc cái “sân khấu chính” để cho những màn quậy phá đã trở thành truyền thống bỗng dưng bị “sập xuống” đã khiến chúng nổi điên. Hàng trăm cổ dộng viên PSG đã xô xát với cảnh sát và gây ra những vụ hỏa hoạn ở khắp Marseille. Không những thế, việc hoãn trận đấu còn làm bùng nổ lên những tranh cãi của các nhân vật chóp bu. Chủ tịch Jean-Claude Dassier của Marseille kịch liệt chỉ trích sự lừng khừng của người đứng đầu LFP, Frederic Thiriez, trong khi Robin Leproux, Chủ tịch của PSG, cũng “đá” quả bóng trách nhiệm sang phía ông Chủ tịch LFP: “Tôi đã hỏi ông ấy rằng đối với 2.000 cổ động viên đã lặn lội từ PSG sang Marseille để rồi biết quyết định hoãn trận đấu, thì tính sao?”. Thiriez thì liên tục phân bua và cho rắng sự việc chuyển biến xấu quá nhanh, vì vậy, khó có thể đưa ra quyết định nhanh chóng và dứt khoát. Thế nhưng, việc quyết định hoãn được đưa ra trước khi trận đấu diễn ra vỏn vẹn 14 tiếng đồng hồ đã làm thiệt hại nặng nề đến các kênh truyền hình mua bản quyền “Le Classique” (đặc biệt là kênh Canal Plus), khi họ không kịp trở tay để khỏa lấp sự phẫn nộ của các khán giả cảm thấy mình bị lừa. Đi từ gốc rễ của sự việc, người ta dễ dàng nhận thấy sự yếu kém toàn diện của LFP. Đầu tiên là những phản ứng quá hời hợt với dịch cúm A/H1N1 với chỉ một vài tờ thông cáo cảnh báo được phát đến các câu lạc bộ (hãy học tập Marseille: Cho toàn bộ các cầu thủ đi tiêm phòng cúm cách đây hơn hai tuần), sau đó là sự thiếu dứt khoát trong việc quyết định hoãn hay không hoãn, khi mới chỉ có Giuly và Sakho nhiễm cúm. Khi những ca nhiễm cúm bỗng “vỡ lở”, thì bộ phận thông tin của LFP cũng đã phản ứng quá chậm chạp trong việc làm giảm thiểu những thiệt hại của quyết định chậm trễ này. Sự kém bản lĩnh và thiếu quyết đoán ấy là điều có tiền lệ. Còn nhớ, năm ngoái, khi Bordeaux được dời lịch đá sớm để tập trung cho trận gặp Roma ở Champions League (nếu không thắng, Bordeaux chắc chắn bị loại), Lyon cũng đã gây sức ép đòi đổi lịch theo và được...toại nguyện. Giờ đây, một cơn khủng hoảng mới sau hậu trường đang bắt đầu.
Diễn biến vụ việc
  
 Thứ bảy (24/10):
  
Sáng: Bộ phận y tế của LFP nhận được báo cáo của PSG về hai trường hợp nhiễm cúm của Giuly và Sakho.

Trưa: LFP tổ chức họp để quyết định xem nên hoãn hay không hoãn trận “kinh điển.

Chiều: Quyết định tiếp tục tổ chức trận đấu được thông qua

Tối: Ca thứ ba nhiễm cúm được xác định: Tiền vệ Jeremy Clement.
  
 Chủ nhật (25/10):

Sáng: Ca thứ tư (Loris Arnaud) và thứ năm (Raphael Smith, một huấn luyện viên thể lực) nhiễm cúm được phát hiện.

Trưa: LFP lại họp khẩn cấp, và quyết định hoãn trận “kinh điển”, trong khi toàn bộ cầu thủ và ban huấn luyện PSG sẽ bị cách ly trong vòng 72 giờ đồng hồ.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục