LHQ cảnh báo phiến quân tại Congo phải giải giáp

Đặc phái viên Liên hợp quốc tại khu vực Hồ Lớn khẳng định nhóm phiến quân M23 ở miền Đông CHDC Congo phải giải giáp vũ khí.
Trong chuyến thị sát thành phố bất ổn Goma nhằm thúc đẩy một thỏa thuận chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 16 tháng qua giữa lực lượng Cộng hòa dân chủ Congo và quân chống đối, Đặc phái viên Liên hợp quốc tại khu vực Hồ Lớn, cựu Tổng thống Ireland, Mary Robinson ngày 2/9 khẳng định nhóm phiến quân M23 ở miền Đông nước này phải giải giáp vũ khí.

Phát biểu sau cuộc gặp các quan chức và người dân địa phương, bà Robinson nhấn mạnh M23 phải từ bỏ bạo lực, giải giáp vũ khí theo yêu cầu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Theo bà Robinson, hiện là thời điểm thích hợp cho những cơ hội chính trị.

Chuyến thị sát của Đặc phái viên Liên hợp quốc Robinson diễn ra giữa lúc quân đội Cộng hòa dân chủ Congo đang chuẩn bị cho một đợt tấn công mới vào căn cứ của M23 tại Kibuma, cách Goma khoảng 30km về phía Bắc.

Trước đó, ngày 30/8, các tay súng của M23 đã rút khỏi các khu vực xung quanh thành phố mỏ này trong một động thái được nhóm này giải thích là nhằm "tạo ra một môi trường thuận lợi" cho một giải pháp chính trị.

Theo kế hoạch, ngày 5/9 tới, bà Robinson sẽ tham dự hội nghị nhằm lập lại hòa bình ở miền Đông Cộng hòa dân chủ Congo tổ chức tại thủ đô Kampala của Uganda, với sự tham gia của phái đoàn 11 nước trong khu vực. Sau đó, bà sẽ tới thăm Rwanda, quốc gia mới đây tiếp tục bị Liên hợp quốc cáo buộc trợ giúp cho phiến quân M23.

Các vòng đàm phán hòa bình giữa phiến quân M23 và Chính phủ Cộng hòa dân chủ Congo tổ chức tại thủ đô Kampala của Uganda, gần như đã lâm vào bế tắc kể từ khi được khởi động vào cuối năm ngoái.

Phiến quân M23 nguyên là quân đội người Tutsi sáp nhập vào quân đội Cộng hòa dân chủ Congo từ năm 2009, song đã đào ngũ từ đầu năm 2012 do bất đồng về lương bổng và điều kiện sinh hoạt.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, cuộc giao tranh gần đây đã lôi kéo một nhóm phiến quân ở Ugandan tham gia, khiến hơn 100.000 người phải di dời chỗ ở, làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo ở khu vực này với 2,6 triệu người mất nhà ở và 6,4 triệu người cần lương thực cũng như viện trợ khẩn cấp.

Trong năm ngoái, phiến quân M23 cùng với các nhóm vũ trang khác đã thường xuyên xung đột với quân chính phủ Congo ở khu vực miền Đông. Nhóm này đã chiếm được Goma trong một thời gian ngắn vào tháng 11 trước khi rút khỏi vào tháng 12/2012./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục