LHQ công bố báo cáo đầu tiên về người bản xứ

Theo Liên hợp quốc, khoảng 370 triệu người bản xứ trên thế giới đang đối mặt với bất công, đói nghèo và bị chà đạp về nhân quyền.
Trong báo cáo đầu tiên về người bản xứ công bố ngày 14/1, Liên hợp quốc cho biết khoảng 370 triệu người bản xứ trên toàn thế giới đang phải đối mặt với tình trạng vô cùng bất công, có tỷ lệ đói nghèo cao, khó khăn về y tế và bị chà đạp về nhân quyền.

Báo cáo có tiêu đề "Tình trạng người bản xứ thế giới" cho biết người bản xứ ở Mỹ có tỷ lệ mắc bệnh lao cao gấp 600 lần và tỷ lệ tự tử cao gấp 62 lần so với mức trung bình của nước Mỹ. Ở Australia, tuổi thọ của người bản xứ thấp hơn mức trung bình của người dân nước này tới 20 năm.

Khoảng cách 20 năm về tuổi thọ cũng đang diễn ra ở Nepal, trong khi con số này ở Guatemala là 13 năm và ở New Zealand là 11 năm. Ở Ecuador, người bản xứ có tỷ lệ ung thư vòm họng cao gấp 30 lần mức trung bình của cả nước. Tỷ lệ tự sát trong người bản xứ Inuit ở Canada cao gấp 11 lần và tỷ lệ mắc bệnh lao cao gấp 150 lần mức trung bình của cả nước.

Tính chung trên toàn thế giới, hơn 50% người lớn bản xứ mắc bệnh tiểu đường týp 2 và con số này dự kiến còn tăng lên.

Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết hàng ngày các cộng đồng người bản xứ trên thế giới luôn phải đối mặt với bạo lực và thô bạo, là nạn nhân của chính sách phân biệt đối xử, bị tước đoạt đất đai, bị đẩy khỏi nơi cư trú truyền thống, bị hà hiếp và là nạn nhân của tình trạng lạm dụng quyền lực.

Trong khi người bản xứ chiếm không đầy 5% dân số toàn cầu, họ lại đang chiếm tới 1/3 trong tổng số 900 triệu người nghèo nhất thế giới. Do thiếu dinh dưỡng, không được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản và phúc lợi xã hội và do nguồn tài nguyên bị ô nhiễm, sức khỏe của người bản xứ ở cả các nước phát triển lẫn đang phát triển cùng rất xấu.

Tỷ lệ bà mẹ và trẻ sơ sinh bị chết, cũng như tỷ lệ tự sát, nhất là trong lớp trẻ, ở người bản xứ rất cao. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, mắc các bệnh về tim mạch, HIV/AIDS và các loại bệnh truyền nhiễm khác, như sốt rét, lao, ở người bản xứ cũng cao.

Liên hợp quốc cho rằng quyền sử dụng đất đai và lãnh thổ của người bản xứ cần phải được tôn trọng, để họ gìn giữ bản sắc của riêng mình và đây cần phải được coi là một tiêu chí để đánh giá nỗ lực chống đói nghèo và bảo đảm phúc lợi xã hội.

Liên hợp quốc cho biết phần lớn trong tổng số 6.000-7.000 ngôn ngữ của toàn thế giới là của người bản xứ và nhiều ngôn ngữ đang đứng trước nguy cơ biến mất.

Nếu không được bảo tồn, 90% số ngôn ngữ của người bản xứ có thể bị mất trong vòng 100 năm tới. 97% dân số thế giới hiện đang sử dụng 4% ngôn ngữ của loài người, trong khi 3% dân số còn lại sử dụng tới 96% ngôn ngữ của toàn thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục