LHQ đạt sự đồng thuận hoàn toàn về quyền trẻ em

Lần đầu tiên trong 8 năm, Đại Hội đồng LHQ đạt được sự đồng thuận hoàn toàn về quyền trẻ em, đặc biệt là sự tham gia của trẻ em gái.
Trong phiên họp toàn thể ngày 20/12, Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 64 đã thông qua 56 nghị quyết về các vấn đề xã hội, văn hóa và quyền con người, trong đó đặc biệt khẳng định các quyền của trẻ em và quyền được có lương thực của mỗi người.

Lần đầu tiên trong 8 năm qua, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đạt được sự đồng thuận hoàn toàn về quyền của trẻ em.

Đại Hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu các nước thực hiện các biện pháp đảm bảo tiếng nói của trẻ em trong các vấn đề tác động đến chúng, đặc biệt là sự tham gia bình đẳng của trẻ em gái, đảm bảo trẻ em được thụ hưởng đầy đủ các quyền của mình.

Liên quan vấn đề lương thực, Đại Hội đồng Liên hợp quốc thừa nhận hiện có tới hơn 1 tỷ người trên thế giới bị đói do khủng hoảng lương thực, coi đây là một thực tế không thể chấp nhận được.

Đại Hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu các nước hành động khẩn cấp nhằm đảm bảo an ninh lương thực, loại trừ nạn đói, đồng thời khẳng định quyền được có lương thực của mỗi người dân, đặc biệt là quyền bình đẳng của phụ nữ trong tiếp cận các nguồn lương thực để nuôi sống bản thân và gia đình.

Ngoài ra, Đại Hội đồng cũng đạt được sự đồng thuận đối với 47 nghị quyết khác, trong đó các nghị quyết về người tị nạn, phát triển xã hội, sự tiến bộ của phụ nữ, ngăn ngừa tội phạm, công bằng luật pháp, kiểm soát ma túy quốc tế.

Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tuyên bố chính trị và Kế hoạch hành động hợp tác quốc tế thực hiện chiến lược thống nhất và cân bằng chống nạn ma túy quốc tế.

Đại Hội đồng Liên hợp quốc cũng thông qua nghị quyết về các nỗ lực toàn cầu nhằm loại trừ hoàn toàn chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt sắc tộc, bài ngoại, trong đó đặc biệt lo ngại về phản ứng không thích đáng của cộng đồng quốc tế trước sự xuất hiện và trỗi dậy của các hiện tượng này dưới nhiều hình thức khác nhau.

Đại Hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu các nước có các biện pháp hữu hiệu ngăn chặn những hiện tượng này và bảo vệ các nạn nhân.

Trong nghị quyết về toàn cầu hóa và tác động của quá trình này đối với việc thực hiện đầy đủ quyền con người, Đại Hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu các nước thành viên và các cơ quan của tổ chức này, các tổ chức phi chính phủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững về môi trường nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống đói nghèo và đạt được các mục tiêu phát triển.

Trong nghị quyết về thúc đẩy trật tự quốc tế bình đẳng và dân chủ, Đại Hội đồng Liên hợp quốc khẳng định cần đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng các lợi ích từ phân phối nguồn của cải cũng như trách nhiệm chung của tất cả các nước trong tiến trình phát triển kinh tế và xã hội toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục