LHQ hối thúc các bên đối địch tại Libya ký thỏa thuận hòa bình

Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Libya đã hối thúc các bên đối địch tại đất nước đang chìm trong xung đột này ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực do Liên hợp quốc làm trung gian.
LHQ hối thúc các bên đối địch tại Libya ký thỏa thuận hòa bình ảnh 1Một cuộc tuần hành của người dân Libya tại thủ đô Tripoli, ngày 23/10. (Nguồn: THX/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Bắc Phi dẫn truyền thông khu vực cho biết, trong chuyến công du tới Libya hai ngày 21-22/11, Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Libya Martin Kobler đã hối thúc các bên đối địch tại đất nước đang chìm trong xung đột này ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực do Liên hợp quốc làm trung gian.

Trong chuyến công cán đầu tiên tới Libya kể từ khi đảm nhận vai trò Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Libya hồi tuần trước, ông Kobler đã có cuộc gặp các thành viên của Chính phủ và Quốc hội Lybia được quốc tế công nhận tại thành phố Tobruk hôm 21/11 và đại diện chính quyền đối địch tự xưng tại thủ đô Tripoli ngày 22/11.

Tại các cuộc họp báo ở Tobruk và Tripoli sau cuộc gặp riêng rẽ với các bên, ông Kobler cho biết đã kêu gọi giới lãnh đạo các bên đối địch nhất trí với kế hoạch hòa bình do người tiền nhiệm của ông là Bernardino Leon đề xuất trước đó nhằm tiến tới việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc tại Libya.

Sau gần một năm đàm phán khó khăn, hồi đầu tháng 10 vừa qua, ông Leon đã đề xuất một thỏa thuận chia sẻ quyền lực, theo đó Libya sẽ được lãnh đạo bởi một Chính phủ gồm 9 thành viên, gồm một ​thủ tướng, 5 ​phó ​thủ tướng và 3 bộ trưởng cấp cao.

Tuy nhiên, các nghị sỹ trong Quốc hội được quốc tế công nhận cũng như phe đối định tại Tripoli đã cản trở thỏa thuận này cũng như không nhất trí về những nhân vật có tên trong Chính phủ đoàn kết do ông Leon giới thiệu.

Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammer Gaddafi năm 2011 và nước này hiện có hai Chính phủ và hai Quốc hội cùng tồn tại song song kể từ tháng 8/2014.

Theo kế hoạch chuyển tiếp tại Libya, Quốc hội được dân bầu hồi tháng 6/2014 để thay thế Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GNC- cơ quan lập pháp cũ của Libya).

Tuy nhiên, Liên minh Hồi giáo vũ trang Fajir Libya (Bình minh Libya) đã ủng hộ GNC và lập Chính phủ tự xưng tại thủ đô Tripoli, còn Chính phủ được quốc tế công nhận phải dời đến thành phố cảng Tobruk ở miền Đông Libya.

Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã làm trung gian cho một loạt vòng đối thoại giữa các phe phái đối địch, song các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp một thỏa thuận ngừng bắn đã được các bên nhất trí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục