LHQ hối thúc G-77 đẩy mạnh phát triển bền vững

LHQ đề nghị G-77 và Trung Quốc áp dụng hiệu quả các biện pháp cụ thể được thông qua tại hội nghị sắp tới về phát triển bền vững.
Ngày 11/1, Tổng Thư ký Ban Ki-moon và Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Nassir Abdulaziz Al-Nasser đề nghị Nhóm 77 nước đang phát triển (G-77) và Trung Quốc áp dụng hiệu quả các biện pháp cụ thể được thông qua tại hội nghị sắp tới của Liên hợp quốc về phát triển bền vững ở thành phố Rio de Janeiro của Brazil, gọi tắt là Rio+20.

Phát biểu tại buổi lễ bàn giao chức Chủ tịch G-77 từ Đại sứ Argentina Jorge Argüello cho Đại sứ Mourad Benmehidi của Algeria tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho rằng, bảo đảm môi trường là ưu tiên cơ bản của tiến trình hội nghị Rio+20, dự kiến diễn ra tháng 6/2012, nhằm vạch ra tiến trình hướng tới một thế giới bình đẳng và bền vững hơn.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cân bằng và ổn định và bảo đảm an sinh xã hội là những vấn đề quan trọng. Nhưng nhiều thách thức lớn đang nổi lên. Cuộc khủng hoảng nợ tiếp tục diễn ra ở châu Âu và nhiều nơi khác, nhiều thị trường đối mặt với nguy cơ mất ổn định. Ngân sách của các chính phủ bị thu hẹp trong khi tỷ lệ thất nghiệp quá cao.

Vì vậy, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh Liên hợp quốc phải kiên quyết hành động và G-77 sẽ đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu nhằm huy động quyết tâm chính trị để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Ông cũng đề nghị G-77 và Trung Quốc nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDGs) do Liên hợp quốc đề ra đến năm 2015.

Tiếp đó, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Al-Nasser cũng chỉ rõ G-77 và Trung Quốc cần phối hợp hành động hơn nữa để thực hiện thành công chương trình của hội nghị Rio+20. Ông tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Algeria tại hội nghị Rio+20, các cuộc đàm phán sẽ thành công tốt đẹp với một tầm nhìn mới dựa trên chương trình hành động cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển bền vững cũng như giải quyết các thách thức mới đang nổi lên.

Ông Al-Nasser cũng cam kết ủng hộ các nỗ lực chung của G-77 nhằm giải quyết các thách thức và trở ngại trong tiến trình thực hiện chương trình phát triển của Liên hợp quốc.

G-77, do 77 nước thành lập năm 1964, hiện có hơn 130 nước, trong đó khoảng 2/3 nước là thành viên Liên hợp quốc và chiếm hơn 60% dân số thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục