LHQ hối thúc phối hợp chống tội phạm quốc tế

Liên hợp quốc đã rung chuông cảnh báo về hoạt động của các tổ chức tội phạm quốc tế và kêu gọi các nước phản ứng quyết liệt.
Ngày 18/10, khai mạc Hội nghị đánh giá tiến trình thực hiện Công ước Liên hợp quốc chống tội phạm xuyên quốc gia tại thủ đô Roma của Italy, Liên hợp quốc đã rung chuông cảnh báo về hoạt động của các tổ chức tội phạm quốc tế trên toàn cầu và kêu gọi các nước phản ứng quyết liệt.

Giám đốc chấp hành Văn phòng Liên hợp quốc chống ma túy và tội phạm (UNODC) Yury Fedotov nhấn mạnh tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đã và đang tăng nhanh tại tất cả các khu vực của thế giới. Buôn bán ma túy vẫn là hoạt động xuyên quốc gia đem lại cho các tổ chức tội phạm nguồn tài chính bất hợp pháp lớn nhất và nhanh nhất cùng với các hoạt động rửa tiền.

Theo số liệu của UNODC, mỗi năm, các tổ chức tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đã thu lời 70 tỷ USD từ buôn bán cocaine từ khu vực Andes đến Bắc Mỹ và châu Âu.

Buôn bán heroin từ Afghanistan đến châu Âu cũng đem lại cho các tổ chức tội phạm 30 tỷ USD mỗi năm. Chỉ riêng buôn bán hai loại ma túy này đã mang lại khoản lợi nhuận 280 triệu USD/ngày cho các băng nhóm tội phạm.

Trong bối cảnh này, Liên hợp quốc lưu ý rằng Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm xuyên quốc gia đã không được các nước sử dụng đúng mức để chống các tổ chức tội phạm mặc dù đây là công cụ pháp lý quốc tế mạnh mẽ để chống loại tội phạm trên.

Cho đến nay, Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức đã được 157 nước phê chuẩn và trở thành cơ sở pháp lý toàn cầu để thực hiện dẫn độ, trợ giúp pháp lý giữa các nước và các khu vực.

Báo cáo đánh giá những nguy cơ và mối đe doạ của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trên toàn cầu của UNODC nhấn mạnh nhu cầu nâng cao nhận thức để thúc đẩy các nước phối hợp tốt hơn hoạt động chống tội phạm xuyên quốc gia, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực thi pháp luật các nước và quốc tế.

UNODC lưu ý rằng các định nghĩa về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia cũng cần được nhất quán và ứng dụng rộng rãi trên toàn cầu, đặc biệt là các dạng tội phạm mới hoặc đang nổi lên trong các lĩnh vực buôn bán tài nguyên thiên nhiên hoặc dược phẩm giả.

Các hoạt động chống tội phạm xuyên quốc gia cần tập trung vào các nguồn cung cấp tài chính cho các tổ chức tội phạm thông qua các biện pháp chống rửa tiền, truy tìm tài sản bị cưỡng đoạt và công khai tài khoản ngân hàng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục