LHQ hối thúc quốc tế đẩy mạnh giải quyết khủng hoảng tại Libya

Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Libya Martin Kobler kêu gọi cộng đồng quốc tế cần chung tay với Liên hợp quốc đẩy mạnh các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libya.
LHQ hối thúc quốc tế đẩy mạnh giải quyết khủng hoảng tại Libya ảnh 1Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Libya Martin Kobler. (Nguồn: AFP)

Liên hợp quốc cần sự hỗ trợ của các nước láng giềng, nhất là Algeria, trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya. Đây là tuyên bố của Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Libya Martin Kobler đưa ra sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng đặc trách các vấn đề Maghreb, Liên minh châu Phi (AU) và Liên đoàn Arab của Algeria Abdelkader Messahel ngày 1/2 tại thủ đô Alger.

Theo phóng viên TTXVN tại Alger, Đặc phái viên Kobler cho biết trọng tâm cuộc hội đàm là tình hình an ninh tại Libya và cách thức thúc đẩy tiến trình chính trị tại đây. Ông cho rằng tình trạng bất ổn của Libya sau làn sóng nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đã tạo ra "khoảng trống quân đội và chính trị" kéo theo các vấn đề an ninh tại quốc gia Bắc Phi này.

Hiện Libya phải đối mặt một vấn đề lớn - đó là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang mở rộng tầm hoạt động, tình hình nhân đạo ngày một xuống cấp. Do đó, cần phải thúc đẩy tiến trình chính trị bằng việc thiết lập một chính phủ ở thủ đô Tripoli và đây phải là một chính phủ phục vụ nhân dân với các thành viên là những nhà kỹ trị.

Về phần mình, Bộ trưởng Messahel cho biết Algeria cùng quan điểm của Liên hợp quốc, đồng thời nhấn mạnh rằng Algeria ủng hộ tiến trình chính trị trong khuôn khổ giải quyết khủng hoảng tại Libya theo đề xuất của Liên hợp quốc. Theo đó, cần sớm thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc tại Libya và chính phủ đó phải đặt trụ sở tại Tripoli.

Trước đó, hôm 19/1, Libya đã công bố việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc, đứng đầu là doanh nhân Fayez al-Sarraj nhằm đoàn kết các phe phái đối địch ở nước này theo một kế hoạch do Liên hợp quốc bảo trợ. Hội đồng Tổng thống Libya đã bổ nhiệm 32 thành viên nội các.

Các cường quốc phương Tây hy vọng chính phủ mới của Libya có thể mang lại sự ổn định và giúp đối phó với mối đe dọa ngày càng lớn từ IS. Tuy nhiên, ngày 25/1, Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya đã bác bỏ chính phủ đoàn kết dân tộc mới được thành lập dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị, cũng như chấm dứt tình trạng hỗn loạn tại quốc gia Bắc Phi này.

Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Gaddafi năm 2011. Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) là quốc hội đã mãn nhiệm song không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli từ tháng 8/2014 với sự hậu thuẫn của phiến quân Hồi giáo, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển trụ sở tới thành phố Tobruk, miền Đông Libya. Quốc gia Bắc Phi rơi vào tình trạng có hai chính phủ và hai quốc hội cùng tồn tại song song. Từ tháng 9 năm ngoái, Liên hợp quốc đã làm trung gian cho các cuộc đối thoại giữa các phe phái đối địch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục