LHQ kêu gọi đảm bảo an toàn cho nhà báo trong khi tác nghiệp

Theo thông điệp của ông Ban Ki-moon, trong 1 thập niên qua đã có hơn 700 nhà báo bị sát hại chỉ vì làm nhiệm vụ phản ánh thông tin cho công chúng.
LHQ kêu gọi đảm bảo an toàn cho nhà báo trong khi tác nghiệp ảnh 1Các phóng viên chụp ảnh chiếc Su-25 chuẩn bị cất cánh. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga)

Nhân ngày Quốc tế bảo vệ các nhà báo 2/11, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã tôn vinh các nhà báo cũng như những người làm nghề truyền thông đã bị sát hại trong khi đang làm nhiệm vụ "phản ánh sự thật."

Tổng thư ký Ban Ki-moon đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các quyền tác nghiệp của nhà báo.

Thông điệp của ông Ban Ki-moon cho biết: "Trong 1 thập niên qua đã có hơn 700 nhà báo bị sát hại chỉ vì làm nhiệm vụ phản ánh thông tin cho công chúng, nghĩa là cứ 5 ngày có 1 nhà báo bị sát hại". Tổng thư ký Liên hợp quốc lưu ý chỉ có 7% số vụ sát hại nhà báo được xử lý và cứ 10 vụ thì có chưa tới 1 vụ được điều tra đầy đủ.

Nhắc lại thông điệp của Tổng thư ký Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) bà Irina Bokova nêu rõ bà cực lực lên án những hành vi sát hại nhà báo và yêu cầu cần có các cuộc điều tra triệt để. Bà Bokova nhấn mạnh rằng việc pháp luật thường xuyên để lọt lưới những kẻ sát hại nhà báo là nguyên nhân khiến số vụ tấn công nhằm vào các nhà báo có xu hướng ngày một tăng.

Hiện UNESCO đang đi đầu Kế hoạch Hành động vì sự an toàn của các nhà báo do Liên hợp quốc khởi xướng, trong đó có sự phối hợp giữa các chính phủ, các tổ chức dân sự và các cơ quan báo chí. Bà Bokova cho biết kế hoạch này đang gặt hái được nhiều kết quả tốt, đáng chú ý là Đại hội đồng Liên hợp quốc, Ủy ban Nhân quyền cũng như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nhiều nghị quyết cụ thể để bảo vệ các nhà báo trong khi ngày càng nhiều quốc gia đề ra những đạo luật và cơ chế để bảo vệ nhà báo.

Tuy nhiên, bà Bokova nhấn mạnh các quốc gia cần phải nỗ lực hơn nữa thì mới có thể chấm dứt được tình trạng để lọt lưới những vụ tấn công nhà báo.

Theo bà Bokova, bảo vệ các nhà báo có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với việc đạt được mục tiêu 16.10 trong Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030, đó là tạo điều kiện để công chúng được tiếp cận thông tin đồng thời bảo vệ những quyền tự do căn bản phù hợp với luật pháp của từng quốc gia cũng như các thỏa thuận quốc tế. Cuối cùng, Tổng giám đốc UNESCO hối thúc tất cả các quốc gia thông qua luật pháp thực thi những biện pháp nhằm đảm bảo rằng mọi cuộc điều tra và phiên tòa xét xử các vụ án tấn công nhà báo đều được tiến hành nghiêm túc.

Năm 2013, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra nghị quyết lấy ngày 2/11 hàng năm làm Ngày quốc tế bảo vệ nhà báo. Đây là ngày hai nhà báo Pháp Ghislaine Dupont và Claude Verlon bị sát hại tại Mali. Nghị quyết được Ủy ban nhân quyền thông qua này kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc điều tra triệt để và trừng phạt các vụ tấn công nhà báo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục