LHQ kêu gọi G-20 hỗ trợ các nước nghèo

Phát biểu trước báo giới tại New York (Mỹ) ngày 25/3, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã thúc giục các nền kinh tế mới nổi (G-20 ) không chỉ đặt ưu tiên khôi phục kinh tế trong nước mà còn phải chú trọng hỗ trợ các nước nghèo.

Phát biểu trước báo giới tại New York (Mỹ) ngày 25/3, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã thúc giục các nền kinh tế mới nổi (G-20 ) không chỉ đặt ưu tiên khôi phục kinh tế trong nước mà còn phải chú trọng hỗ trợ các nước nghèo.

Ông nhấn mạnh tới một sự đồng thuận quốc tế, một nỗ lực tập thể nhằm trợ giúp những nước nghèo bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.

Trả lời phỏng vấn mạng tin trực tuyến tờ "Thời báo Tài chính" (The Financial Times), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ước tính gói kích thích này trị giá khoảng 1.000 tỷ USD. Về kế hoạch giải ngân, ông cho rằng 250 tỷ USD sẽ được dành cho viện trợ (mỗi năm 125 tỷ USD); 500 tỷ USD dành để hỗ trợ khả năng thanh khoản của các nước đang phát triển; 250 tỷ USD sẽ dùng để cấp tín dụng dài hạn cho các nước đang phát triển trong hai năm 2009-2010.

Ông cho biết sẽ nhân Hội nghị thượng đỉnh G-20 tuần tới để kêu gọi sự ủng hộ cho kế hoạch trên, trong đó có cả việc hoàn tất các mục tiêu viện trợ ngoài nước còn dang dở, cũng như hỗ trợ vốn cho các khu vực nghèo trên thế giới đối phó với biến đối khí hậu và bảo đảm khả năng thanh khoản tại các nền kinh tế đang nổi lên.

Liên quan tới vấn đề này, trong cuộc gặp ông Ban Ki-moon tại New York cùng ngày, Thủ tướng nước chủ nhà hội nghị G-20 tới, ông Gordon Brown, khẳng định các cường quốc và nền kinh tế mới nổi sẵn sàng hỗ trợ các nước nghèo trong các nỗ lực đương đầu với "bão" tài chính.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay không được phép đảo ngược tiến trình tiến tới các Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Đây là những mục tiêu chú trọng tới xóa đói nghèo và đảm bảo quyền được tới trường của trẻ em trên toàn thế giới.

Hai ông nhấn mạnh các nước cần cương quyết nói "Không" với chủ nghĩa bảo hộ, sớm khởi động lại các vòng đàm phán thương mại toàn cầu đang rơi vào ngõ cụt, nỗ lực thúc đẩy một nền kinh tế xanh và cải cách các quy định và những thể chế tài chính để ngăn chặn kịp thời các cuộc khủng hoảng trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục