LHQ kêu gọi tăng cường cải thiện điều kiện vệ sinh

LHQ đã thiết lập tiến trình mới cho Đối tác toàn cầu về "Vệ sinh và Nước cho tất cả mọi người" nhằm đẩy nhanh tiếp cận toàn cầu.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 23/4, tại thủ đô Washington của Mỹ, Hội nghị cấp cao có sự tham gia của các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế về vệ sinh và nước, các nhà tài trợ toàn cầu đã thiết lập tiến trình mới cho Đối tác toàn cầu về "Vệ sinh và Nước cho tất cả mọi người" nhằm đẩy nhanh tiếp cận toàn cầu hai hệ sinh thái quan trọng này.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh, mặc dù thế giới đã thực hiện thành công Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) về nguồn nước sạch trước thời hạn năm 2015 nhưng nhiều khu vực trên hành tinh vẫn thiếu nguồn nước an toàn. WHO cũng nhấn mạnh MDG về cải thiện các điều kiện vệ sinh vẫn trì trệ và sẽ không thể đạt được mục tiêu này đúng hạn vào năm 2015.


Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, đồng thời là Tổng Giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), ông Anthony Lake kêu gọi các chính phủ hành động khẩn cấp trong bối cảnh trên thế giới hiện còn tới 1,1 tỷ người vẫn sử dụng các nhà vệ sinh lộ thiên do không được tiếp cận các tiện nghi vệ sinh tối thiểu nhất. Đây đã là thời điểm cần tập trung mọi nỗ lực vào các lĩnh vực và những con người bị lãng quên này trong quá trình phát triển của nhân loại.

Phó Tổng Thư ký thường trực của Liên hợp quốc đồng thời là thành viên Nhóm tư vấn cấp cao của Liên hợp quốc về các MDG, ông Jan Eliasson khẳng định vệ sinh và các điều kiện vệ sinh phải được coi là hòn đá tảng của phát triển, an ninh và là chìa khoá cho phúc lợi của mọi công dân trên Trái Đất. Nước và vệ sinh không chỉ có giá trị kinh tế mà còn có giá trị nhân văn. Để đảm bảo trẻ em được bảo vệ khỏi bệnh tật, nam nữ thanh thiếu niên được đến trường, phụ nữ không bị cưỡng bức lao động, cộng đồng thế giới cần hành động tập thể và ngay lập tức để tăng cường cung cấp nước sạch và vệ sinh cho tất cả mọi người.

UNICEF cho biết hàng năm thế giới có ít nhất 2,5 tỷ ca bệnh tiêu chảy ở trẻ dưới 5 tuổi và 3.000 trẻ em tử vong hàng ngày vì bệnh liên quan đến nguồn nước. Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh tuỳ theo từng nước nhưng thông qua phổ cập tiếp cận nguồn nước an toàn và các điều kiện vệ sinh được cải thiện, số tiền tiết kiệm nhờ giảm các chi phí cho y tế và số ngày nghỉ do bệnh tật của người lao động có thể lên tới 7% tổng sản phầm nội địa (GDP) của mỗi nước.

Hiệu quả kinh tế từ đầu tư tăng cường nước và vệ sinh trên toàn cầu có thể lên tới 170 tỷ USD. Nếu mọi người trên thế giới đều được tiếp cận các dịch vụ nước và vệ sinh thích hợp, y tế toàn cầu có thể tiết kiệm được 15 tỷ USD mỗi năm./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục