LHQ khẳng định vai trò nổi bật trong toàn cầu hóa

Năm 2008 là năm thế giới chứng kiến và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hàng loạt cuộc khủng hoảng, từ các thảm họa thiên nhiên tới các biến động kinh tế-xã hội. Trước những thử thách đó, Liên hợp quốc đã chứng tỏ vai trò không thể phủ nhận trong việc tập hợp các nguồn lực và phối hợp các nỗ lực toàn cầu để giải quyết các vấn đề này.

Năm 2008 là năm thế giới chứng kiến và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hàng loạt cuộc khủng hoảng, từ các thảm họa thiên nhiên tới các biến động kinh tế-xã hội. Trước những thử thách đó, Liên hợp quốc đã chứng tỏ vai trò không thể phủ nhận trong việc tập hợp các nguồn lực và phối hợp các nỗ lực toàn cầu để giải quyết các vấn đề này.
 
Trong một báo cáo, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã nhấn mạnh: "Thế giới đang thay đổi có lợi cho Liên hợp quốc, khi ngày càng có nhiều người dân và chính phủ hiểu rằng chủ nghĩa đa phương là con đường duy nhất trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau và toàn cầu hoá của chúng ta."
 
Thực tế, trong một thế giới với những thách thức phức tạp, Liên hợp quốc là tổ chức quốc tế mà tất cả các nước thành viên, dù lớn hay nhỏ, dù mạnh hay yếu, đều có thể trông cậy.
 
Tại cuộc tranh luận hàng năm tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9, các nhà lãnh đạo thế giới đã nhất trí kêu gọi có những giải pháp toàn cầu cho những thách thức mà tất cả các nước đang phải đối mặt và hy vọng Liên hợp quốc sẽ đóng vai trò trụ cột trong những nỗ lực này.
 
Trong những năm gần đây, Liên hợp quốc đóng vai trò quan trọng hơn trong việc tiến hành bầu cử ở Iraq và bình ổn tình hình ở Afghanistan.
 
Liên hợp quốc đã phản ứng nhanh chóng với cơn bão Nargis, tàn phá Myanmar hồi đầu tháng 5, và trận động đất kinh hoàng ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Cả hai đều là những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất với những hậu quả khủng khiếp. Liên hợp quốc đã giúp tạo kênh vận chuyển viện trợ quốc tế và các đội cứu hộ tới những khu vực bị tàn phá nặng nề đang rất cần nguồn trợ giúp cả về vật chất lẫn tinh thần.
 
Trong cuộc chiến chống đói nghèo, Liên hợp quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ 755 triệu USD để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của khoảng 73 triệu người cần cứu trợ khẩn cấp.
 
Tổng thư kí Liên hợp quốc Ban Ki Mun đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm của Liên hợp quốc đối phó với Khủng hoảng lương thực toàn cầu, có trách nhiệm nghiên cứu kỹ các cuộc khủng hoảng và đề xuất kiến nghị cho các giải pháp sớm trong Khuôn khổ Hành động toàn diện.
 
Về vấn đề biến đổi khí hậu, Liên hợp quốc đã đi đầu trong việc đưa ra các sáng kiến giải quyết thách thức này. Liên hợp quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các cuộc thương lượng quốc tế tiếp tục hướng tới một giải pháp vừa đảm bảo phát triển kinh tế bền vững vừa bảo vệ môi trường.
 
Bên cạnh đó, Liên hợp quốc cũng đã nhận trách nhiệm giải quyết nhiều vấn đề cấp bách và nan giải khác, như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, việc ngăn chặn các căn bệnh nan y như HIV/AIDS, việc thực hiện Các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG), cũng như sứ mệnh duy trì hoà bình ở những khu vực bị chiến tranh tàn phá.
 
Những thách thức mang tính toàn cầu mà thế giới đang phải đối mặt, cho dù là sự bất ổn tại các thị trường tài chính then chốt, mối đe doạ của chủ nghĩa khủng bố, sự xuống cấp của môi trường, hay cuộc đấu tranh nhằm xoá đói nghèo, đã củng cố thêm nhận thức của các nhà lãnh đạo thế giới về sự cần thiết phải tăng cường ảnh hưởng của Liên hợp quốc - tổ chức quốc tế đa phương lớn nhất thế giới này.
 
Các cơ chế truyền thống như Nhóm Các nước công nghiệp tiên tiến (G-8), một hội nghị thượng đỉnh của các cường quốc hàng đầu hồi giữa thế kỷ 20, và thể chế Breeton Woods được thành lập cuối Thế chiến thứ hai, ngày càng trở nên thiếu hiệu quả để giải quyết những vấn đề phức tạp mang tính toàn cầu.
 
Liên hợp quốc, hiện là nòng cốt trong quá trình đưa ra quyết định mang tính tập thể của quốc tế, đang đối mặt với thách thức phải tự tiếp thêm sinh lực cho mình bằng cách phản ánh những thực tế mới của thế giới.
 
Cuộc họp thượng đỉnh của Nhóm G-20 về vấn đề tài chính hồi giữa tháng 11 tại Washington được các nhà phân tích ca ngợi là cơ hội để khẳng định sự tham gia của các thế lực mới trong thế kỷ 21, phần lớn là những nước đang phát triển hàng đầu.

Mọi việc đang thay đổi theo hướng thích hợp hơn, các thị trường mới nổi sẽ có vai trò lớn hơn trong những tổ chức này. Những gì người ta hy vọng là sự cải tổ hoàn toàn của các tổ chức quốc tế hiện hành, chẳng hạn như Liên hợp quốc, trong những năm tới.
 
Với việc trao cho các nước đang phát triển một tiếng nói quan trọng hơn, Liên hợp quốc - tổ chức duy nhất có thành viên trên khắp thế giới, có phạm vi can thiệp và tính hợp pháp trên toàn cầu - sẽ có vị thế tốt hơn để chỉ đạo và phối hợp những nỗ lực toàn cầu trong việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục