LHQ lo ngại làn sóng bạo lực sắc tộc tại Nigeria

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hết sức lo ngại về làn sóng bạo lực sắc tộc mới bùng phát tại một số khu vực ở miền Bắc Nigeria.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 28/7 đã bày tỏ hết sức lo ngại trước làn sóng bạo lực mới bùng phát tại miền Bắc Nigeria.

Thông cáo của Văn phòng Tổng Thư ký Liên hợp quốc được đưa ra tại New York nêu rõ Tổng Thư ký Ban Ki-moon hết sức lo ngại về làn sóng bạo lực sắc tộc mới bùng phát tại một số khu vực ở miền Bắc Nigeria, đồng thời lên án phiến quân Hồi giáo đã thực hiện các vụ tấn công làm hàng chục người thiệt mạng và gây tổn thất lớn về vật chất.

Ông Ban Ki-moon bày tỏ hy vọng "những kẻ đứng sau các vụ tấn công sẽ bị vạch mặt và đưa ra xét xử trước pháp luật".

Ngoài ra, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng kêu gọi chính phủ, các cơ quan an ninh cùng các thủ lĩnh tôn giáo và người đứng đầu các cộng đồng sắc tộc ở Nigeria hợp tác, tìm hiểu và giải quyết các gốc rễ cơ bản của các vụ bạo lực gần tới, tiến tới một giải pháp tổng thể, hợp lý, khoan dung và phù hợp với tất cả các bên".

Trước đó, sáng 28/7, Tổng thống Nigeria Umaru Yar'Adua cho biết tình hình tại miền Bắc nước này "đã được kiểm soát" sau 3 ngày giao tranh giữa lực lượng an ninh với các phần tử Hồi giáo cực đoan thuộc nhóm Boko Haram, khiến hơn 200 người thiệt mạng.

Cũng trong ngày 28/7, các lực lượng an ninh Nigeria đã tấn công nhà riêng của một thủ lĩnh lực lượng phiến quân.

Bạo lực bắt đầu bùng phát ngày 26/7 tại thành phố Bauchi - thủ phủ bang cùng tên ở Đông Bắc Nigeria, khi 70 thành viên Boko Haram dùng súng và lựu đạn tấn công một đồn cảnh sát nhằm trả đũa việc nhà chức trách bắt giữ các thủ lĩnh của họ. Tiếp đó, phiến quân đã mở rộng các cuộc tấn công sang ba bang khác ở miền Bắc là Yobe, Borno và Kano.

Phiến quân cũng đốt phá nhiều nhà thờ Cơ đốc giáo, trường học, sở cảnh sát, nhà tù và các tòa nhà chính phủ, gây thiệt hại lớn về cơ sở vật chất.

Quốc gia đông dân nhất châu Phi Nigeria vốn bị chia rẽ giữa hai cộng đồng Cơ đốc giáo (tập trung nhiều ở miền Nam) và Hồi giáo (sống chủ yếu ở miền Bắc).

Luật Hồi giáo Sharia đã được áp dụng từ năm 2.000 tại 12 bang ở miền Bắc, nhưng nhóm Boko Haram đòi áp dụng luật này trên toàn bộ 36 bang trong cả nước. Nhóm này cũng tuyên bố bạo lực đẫm máu sẽ còn tiếp diễn nếu yêu sách trên không được đáp ứng.

Cuối năm ngoái, giao tranh ác liệt giữa các nhóm sắc tộc đã nổ ra tại miền Trung Nigeria cướp đi sinh mạng của hơn 700 người./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục