LHQ lo ngại việc Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa

Đại sứ Ruhakana Rugunda cho biết các thành viên Hội đồng Bảo an "lo ngại trước tin CHDCND Triều Tiên phóng thêm tên lửa".

Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Ruhakana Rugunda ngày 2/7 cho biết các thành viên Hội đồng Bảo an "lo ngại trước tin Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên phóng thêm tên lửa".

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở New Yook, ông Rugunda nêu rõ: "Hội đồng Bảo an lo ngại trước thông tin Bình Nhưỡng đã phóng thêm tên lửa sau khi Hội đồng Bảo an vừa siết chặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Hội đồng Bảo an sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình tại Triều Tiên".

Trong khi đó, Mỹ tuyên bố các vụ phóng tên lửa trong ngày 2/7 của Triều Tiên là hành động "bất lợi, nguy hiểm" và "mang tính khiêu khích", đồng thời nhấn mạnh thế giới đã thống nhất quan điểm phản đối Bình Nhưỡng.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ian Kelly tuyên bố: "Triều Tiên biết chính xác những gì họ cần phải làm. Bình Nhưỡng cần chấm dứt hành động khiêu khích kiểu này và trở lại các cuộc đàm phán về phi hạt nhân".

Tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso cũng gọi các vụ phóng tên lửa tầm ngắn của Triều Tiên là "hành động khiêu khích".

Những phản ứng trên được đưa ra sau khi Triều Tiên phóng 4 tên lửa tầm ngắn trong cùng ngày, làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc dẫn lời các quan chức quân sự nước này cho biết những tên lửa trên "dường như là tên lửa đất đối hạm", được phóng tới vùng biển Nhật Bản trong khoảng thời gian từ 19h20 đến 21h20 giờ địa phương.

Theo một số quan chức giấu tên, những quả tên lửa này đã rơi cách bờ biển khoảng 100km, xuống vùng biển mà Triều Tiên đã cấm tàu thuyền hoạt động từ ngày 1 - 11/7 để tập trận.

Đến nay, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã xác nhận 3 vụ phóng tên lửa tầm ngắn đầu tiên trong ngày, song chưa xác nhận vụ phóng thứ 4. Tất cả các vụ phóng này đều được thực hiện từ một căn cứ ở Sinsang-ri, gần thành phố Wonsan ở bờ biển miền Đông Triều Tiên.

Cùng ngày, Tư lệnh Bộ chỉ huy Phương Bắc của Mỹ, Tướng Victor "Gene" Renuart tuyên bố quân đội Mỹ đã sẵn sàng đánh chặn bất kỳ tên lửa tầm xa nào của Triều Tiên.

Trả lời phỏng vấn tờ "Thời báo Washington", Tướng Renuart nói: "Mỹ có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo rất đáng tin cậy. Tôi thấy an tâm về những hệ thống tên lửa đánh chặn được bố trí trên mặt đất ở Alaska và California. Nếu Mỹ thực sự bị một tên lửa đạn đạo liên lục địa đe dọa, tôi cam đoan có thể chặn đường bay của tên lửa đó trước khi nó gây nguy hiểm nghiêm trọng tới bất cứ vùng lãnh thổ nào của Mỹ".

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Mỹ đã "hoàn toàn sẵn sàng" đối phó khả năng Triều Tiên phóng tên lửa vào lãnh thổ Mỹ.

Phát biểu với báo giới cùng ngày, Tổng thống Obama cũng nói rằng Mỹ đang cố gắng "để ngỏ cánh cửa" cho Triều Tiên trở lại các cuộc thương lượng về giải giáp hạt nhân ngay cả khi Washington đang thúc đẩy các nỗ lực trừng phạt Bình Nhưỡng. Tổng thống Obama nhấn mạnh Mỹ có thể sẽ áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân thứ hai của nước này.

Theo ông, việc thực thi các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang "diễn ra rất thuận lợi" và từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân là cách duy nhất để Triều Tiên cải thiện tình hình và hội nhập với thế giới.

Từ Bắc Kinh, ông Philip Goldberg, quan chức phụ trách việc thực hiện các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên, cho biết cuộc hội đàm giữa ông với giới chức Trung Quốc về vấn đề trên đã diễn ra "rất thuận lợi".

Sau cuộc hội đàm, ông Goldberg nói rằng Chính phủ Mỹ dự định "thực thi đầy đủ" các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng theo Nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an gồm các lệnh trừng phạt tài chính và kinh tế.

Ông Goldberg nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là nối lại cuộc đối thoại về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, cũng như bảo đảm sự hợp tác của cộng đồng quốc tế để đạt được mục tiêu này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục