LHQ: Myanmar quá chậm trễ trong việc tiếp nhận trở lại người Rohingya

Tổng thư ký Guterres đã chỉ trích những nỗ lực “quá chậm trễ” của Myanmar khi tiếp nhận trở lại người tị nạn Hồi giáo Rohingya và mô tả việc thiếu tiến triển là căn nguyên của “sự thất vọng to lớn."
LHQ: Myanmar quá chậm trễ trong việc tiếp nhận trở lại người Rohingya ảnh 1Người tị nạn Rohingya tại trại Kutupalong ở Ukhia, Bangladesh, ngày 25/8/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/1, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã chỉ trích những nỗ lực “quá chậm trễ” của Myanmar trong việc tiếp nhận trở lại người tị nạn Hồi giáo Rohingya và mô tả việc thiếu tiến triển là căn nguyên của “sự thất vọng to lớn."

Phát biểu họp báo tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, ông Guterres nêu rõ: “Tôi cảm thấy một sự thất vọng to lớn với sự thiếu tiến triển liên quan đến vấn đề Myanmar và sự đau khổ của người dân. Chúng ta cần phải tạo điều kiện cho người tị nạn sẵn sàng quay trở lại nhưng mọi thứ đã quá chậm trễ."

[Cộng đồng quốc tế tìm giải pháp toàn diện cho vấn đề người Rohingya]

Chính phủ Myanmar trong tháng này đã hoãn chuyến thăm dự kiến của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi tới bang Rakhine của Myanmar.

Đặc phái viên của Liên hợp quốc Christine Schraner Burgener dự kiến có cuộc hội đàm tại Myanmar vào cuối tháng này và báo cáo với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các bước đi để giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn tại Myanmar.

Hơn 720.000 người Rohingya đang sống trong các trại tị nạn ở Bangladesh sau khi họ buộc phải rời khỏi bang Rakhine ở miền Bắc Myanmar do một chiến dịch quân sự vào năm 2017 mà Liên hợp quốc mô tả là nhằm thanh trừng sắc tộc.

Myanmar đã đồng ý tiếp nhận trở lại một số người tị nạn trong thỏa thuận đạt được với Bangladesh, nhưng Liên hợp quốc khẳng định sự an toàn của người Rohingya là điều kiện để họ trở về./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục