LHQ: Thời tiết khắc nghiệt xảy ra thường xuyên hơn

LHQ cảnh báo thời tiết khắc nghiệt diễn ra thường xuyên hơn ở thế giới do nhân loại tiếp tục đốt hàng tỷ tấn nhiên liệu hóa thạch.

Ngày 9/4, Liên hợp quốc cảnh báo các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đang ngày càng diễn ra thường xuyên hơn trên toàn cầu.

Liên hợp quốc đưa ra một báo cáo đặc biệt về xử lý các nguy cơ các sự kiện thời tiết khắc nghiệt và thảm họa để đẩy nhanh thích nghi với biến đổi khí hậu (SREX), trong đó cảnh báo thực tế này sẽ ngày càng tăng nhanh trong 4 thập kỷ tới với mưa sẽ dữ dội hơn ở các vùng nhiệt đới và vĩ độ cao.

Ngày nóng nhất trước đây chỉ xảy ra 1 lần trong 20 năm có thể sẽ tăng lên với tần suất 1 lần trong chu kỳ 2 năm vào cuối thế kỷ 21, trừ những vùng vĩ độ cao ở Bắc Bán cầu có thể xảy ra 1 lần trong chu kỳ 5 năm.

Tốc độ trung bình của gió trong các cơn lốc xoáy nhiệt đới sẽ tăng nhưng tần suất lốc xoáy nhiệt đới trên toàn cầu có thể không thay đổi hoặc tăng chút ít.

Thời gian và cường độ hạn hán sẽ tăng lên ở Nam Âu, khu vực Địa Trung Hải, Trung Âu, Trung Mỹ, khu vực Bắc của miền Trung nước Mỹ, Mexico, Đông Bắc Brazil và miền Nam châu Phi.

Nước biển dâng do biến đổi khí hậu cùng với với sự tăng lên của các sự kiện thời tiết khắc nghiệt sẽ biến nhiều khu dân cư đông đúc hiện nay trở nên hoang vắng vào cuối thế kỷ 21.

Trong vài thập kỷ tới, các quốc đảo nhỏ và nhiều thành phố ven biển như Mumbai của Ấn Độ có thể chìm trong nước biển nếu thế giới không hành động khẩn cấp để giảm nhanh và bền vững lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Báo cáo của Liên hợp quốc lưu ý rằng Canada và nhiều khu vực của Mỹ năm 2011 đã trải qua mùa hè giữa mùa đông.

Trong 2 tuần của tháng 3/2012, hầu hết khu vực Bắc Mỹ đều chịu nắng nóng bất thường làm tan băng tuyết và phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ trong vòng 150 năm qua.

Thảm họa thời tiết đã gây thiệt hại cho Mỹ tới 14 tỷ USD trong năm 2011.

Các sự kiện thời tiết khắc nghiệt "kỷ lục" đang tăng lên về số lượng và ngày càng cực đoan do môi trường ngày càng nóng và ẩm vì nhân loại tiếp tục đốt hàng tỷ tấn nhiên liệu hóa thạch.

Liên hợp quốc nhấn mạnh từ năm 1991 đến 2010, có 10 nước bị tác động nặng nề nhất về người và của từ các sự kiện thời tiết khắc nghiệt đều là các nước đang phát triển phương Nam trong đó Bangladesh, Myanmar và Honduras đứng đầu về thiệt hại.

Báo cáo SREX cần được coi là tín hiệu cảnh báo nghiêm khắc để các nước chuẩn bị tốt hơn nhằm đối phó hiệu quả với các sự kiện thời tiết khắc nghiệt trong tương lai./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục