LHQ thông qua nghị quyết trừng phạt cướp biển Somalia

Trong nỗ lực giúp Somalia chấm dứt tình trạng không pháp luật tại quốc gia này, ngày 21/11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã thông qua nghị quyết trừng phạt cướp biển, những kẻ buôn lậu vũ khí và những kẻ gây mất ổn định tại Somalia.

Trong nỗ lực giúp Somalia chấm dứt tình trạng không pháp luật tại quốc gia này, ngày 21/11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã  thông qua nghị quyết trừng phạt cướp biển, những kẻ buôn lậu vũ khí và những kẻ gây mất ổn định tại Somalia.

Theo nghị quyết trừng phạt do Anh bảo trợ, HĐBA uỷ quyền cho một ban chuyên trách của LHQ lập danh sách các cá nhân và tổ chức thuộc diện bị phong tỏa tài sản và cấm đi lại do dính líu hoặc ủng hộ cho các hành động đe dọa nền hòa bình của quốc gia vùng Sừng châu Phi này, vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của LHQ cũng như cản trở hoạt động phân phối hàng cứu trợ nhân đạo.

Phát biểu trong cuộc họp, Trợ lí Tổng Thư kí LHQ phụ trách vấn đề hòa bình, ông Raisuddin Zenenga nêu quan điểm của nhiều đại biểu cho rằng tình trạng cướp bóc trên biển, cũng như các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở Somalia là dấu hiệu phản ánh rõ nhất tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ tại đây. Theo ông, cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ chính quyền Somalia trấn áp nạn hải tặc và bình ổn đất nước.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), Efthimios Mitropoulos cũng thúc giục HĐBA mở rộng quyền hạn của IMO cho phép tàu của nhiều nước tham gia hoạt động chống cướp biển xâm nhập hải phận Somalia. Ông cũng kêu gọi LHQ đưa ra quy định rõ ràng để tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng chống hải tặc quốc tế.

Liên quan đến tình trạng bất ổn tại Somalia, Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ, Rosemary DiCarlo kêu gọi nhanh chóng thiết lập trật tự tại các khu vực bất ổn, đang đe dọa tiến trình chính trị và thoả thuận ngừng bắn ngày 26/10 giữa Chính phủ Somalia và các phần tử Hồi giáo nổi dậy. Trong khi đó, Liên minh châu Phi (AU) đã kêu gọi LHQ sớm triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới nước này.

Từ đầu năm 2008 đến nay, tại vùng biển của Somalia đã xảy hơn 120 vụ tấn công tàu biển, trong đó hải tặc đã cướp được hơn 35 tàu, bắt cóc 600 thủy thủ để đòi tiền chuộc. Hiện cướp biển Somalia đang giữ 14 tàu và 280 thuỷ thủ làm con tin./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục