LHQ thông qua nghị quyết về nhân quyền Triều Tiên

Đại hội đồng LHQ lần đầu tiên nhất trí thông qua nghị quyết thường niên yêu cầu Triều Tiên giải quyết các vụ lạm dụng nhân quyền.
Theo hãng Kyodo, Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 20/12 lần đầu tiên đã nhất trí thông qua một nghị quyết thường niên yêu cầu Triều Tiên giải quyết các vụ lạm dụng nhân quyền.

Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng tái diễn các vụ tra tấn, đàn áp tự do tư tưởng và các hình thức lạm dụng nhân quyền khác ở Triều Tiên.

Nghị quyết cũng bày tỏ quan ngại trước việc Triều Tiên không chịu mở rộng hợp tác đầy đủ với Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về tình hình nhân quyền tại nước này, hay việc Bình Nhưỡng không thể hiện thiện chí trong việc tiếp nhận những khuyến cáo của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Nghị quyết cũng bày tỏ "vô cùng quan ngại" về vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân nước ngoài, trong đó có cả công dân Nhật Bản, vẫn "chưa được giải quyết", đồng thời kêu gọi Chính phủ Triều Tiên ngay lập tức cho phép các nạn nhân được hồi hương.

Ngay sau khi nghị quyết trên được thông qua, một quan chức Triều Tiên cho rằng động thái "chống Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên này sẽ làm xấu thêm tình hình hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Chúng tôi không công nhận và càng không chấp nhận nghị quyết này".

Quan chức trên cho biết thêm các nghị quyết nhằm vào một nước cụ thể đều là kết quả của một "âm mưu chính trị" của các nước phương Tây với "tiêu chuẩn kép".

Trong phiên họp cùng ngày, Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 quốc gia thành viên, cũng đã thông qua một nghị quyết khác kêu gọi các nước gồm cả Nhật Bản ngừng thực thi hình phạt tử hình.

[LHQ: Triều Tiên vẫn đói ăn dưới thời Kim Jong-Un]

Trước đó hồi đầu tháng 11, Liên hợp quốc đã công bố bản báo cáo của Đại diện của cơ quan này về Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, ông Marzuki Darusan khẳng định tình hình đời sống của người nước này "không có gì được cải thiện" dưới thời tân lãnh đạo Kim Jong-Un.

Theo ông Darusan, nguyên là Trưởng Công tố Indonesia, Triều Tiên vẫn thi hành chính sách "tiên quân," dành phần lớn tài lực và vật lực cho quân đội, khiến trên 60% dân số (16 triệu trong tổng số 25 triệu dân) đang bị thiếu ăn, nhiều người phải sống trong cảnh thiếu vệ sinh, không đủ nước sinh hoạt và thuốc chữa bệnh...

Ông Darusan kêu gọi chính quyền Bình Nhưỡng chuyển một phần của cải vật chất của quân đội sang phục vụ đại đa số dân chúng.

Ngay lập tức, ông Kim Song, Đại diện của Triều Tiên tại Liên hợp quốc đã lên tiếng phản đối bản báo cáo trên, đồng thời cho rằng nó "phi sự thật" và có "dụng ý chính trị".

Theo ông Kim, người Triều Tiên rất tự hào về hệ thống chính quyền của mình vì đã bảo đảm rất tốt quyền con người, và tổ chức hệ thống giáo dục và y tế miễn phí cho mọi người./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục