LHQ yêu cầu các bên ở Iraq chấm dứt khủng hoảng

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon đã lên tiếng kêu gọi tất cả các bên tại Iraq ủng hộ nỗ lực hòa giải và chấm dứt khủng hoảng.
Ngày 11/6, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực gia tăng nghiêm trọng tại Iraq, kêu gọi tất cả các bên ủng hộ nỗ lực hòa giải và chấm dứt khủng hoảng.

Trong tuyên bố, ông Ban Ki-Moon bày tỏ quan ngại về căng thẳng chính trị leo thang cũng như các vụ bạo lực gia tăng đột biến trong hai tháng qua tại Iraq đã gây thương vong hàng nghìn người.

[Làn sóng bạo lực tại Iraq, hơn 300 người thương vong]

Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng hoan nghênh việc Thủ tướng Iraq Nouri Al-Maliki đến thăm khu vực tự trị của người Kurd, cho rằng đây là động thái giúp cải thiện tình hình căng thẳng chính trị kéo dài nhiều tháng qua giữa chính phủ trung ương và chính quyền khu tự trị của người Kurd liên quan việc kiểm soát các khu vực giàu dầu mỏ ở các tỉnh phía Bắc như Nineveh, Kirkuk, Salahudin và Diyala, giáp ranh khu vực do người Kurd nắm quyền.

Cũng liên quan đến mâu thuẫn chính trị trên, khoảng 1.070 binh lính người Kurd thuộc lữ đoàn số 16 của quân đội Iraq đã tuyên bố giải ngũ và đề nghị được gia nhập lực lượng vũ trang trung thành với khu vực người Kurd tự trị.

Động thái trên xảy ra sau khi nhóm binh lính người Kurd đóng tại thành phố Tuz Khurmatu và Sulaiman Bek không chấp hành mệnh lệnh chiến đấu chống lại các tay súng người Sunni đang chiếm giữ các khu vực này.

Các binh lính này cho biết họ không chấp hành mệnh lệnh nói trên vì không muốn gây thêm căng thẳng giữa người Arập và người Kurd tại vùng lãnh thổ tranh chấp.

Thị trưởng thành phố Sulaiman Bek, Shallal Abdul, cho biết số binh lính trên bị cáo buộc vi phạm kỷ luật do bất tuân mệnh lệnh và hiện đang được cải tạo, ba chỉ huy người Kurd tại lữ đoàn trên cũng đã được thay thế.

Trong khi đó, một người phát ngôn của lực lượng an ninh người Kurd cho biết chính quyền khu tự trị người Kurd sẽ thảo luận với chính quyền Baghdad để đi đến một thỏa thuận về vấn đề này.

Việc một số lượng lớn binh sỹ rời khỏi quân đội sẽ là thiệt hại đáng kể đối với lực lượng vũ trang Iraq trong bối cảnh bạo lực tôn giáo và sắc tộc đang đe dọa nghiêm trọng đến tình hình an ninh của quốc gia này.

Theo thống kê của Phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Iraq (UNAMI), chỉ tính riêng tháng Năm vừa qua đã có 1.045 người Iraq thiệt mạng, 2.400 người bị thương do các vụ xung đột sắc tộc./.
 
(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục