Libya: Hai phái đối địch tiến hành đàm phán tại Maroc

Các thành viên thuộc Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya (HOR) và Đại hội nhân dân toàn quốc (GNC) đã tiến hành đàm phán gián tiếp.
Libya: Hai phái đối địch tiến hành đàm phán tại Maroc ảnh 1Nhân viên an ninh điều tra hiện trường vụ đánh bom tại cổng tư dinh của Đại sứ Iran nằm tại một quận trung tâm ở thủ đô Tripoli của Libya. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 5/3, dưới sự giám sát của Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Libya Bernardino Leon, tại thành phố Skhirat (Maroc), các thành viên thuộc Quốc hội được quốc tế công nhận của Libya (HOR) và Đại hội nhân dân toàn quốc (GNC - cơ quan lập pháp cũ được lực lượng Hồi giáo hậu thuẫn) đã tiến hành đàm phán gián tiếp với hy vọng thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Ông Samir Ghattas, người phát ngôn của Phái bộ Liên hợp quốc tại Libya (Manul) tuyên bố cuộc gặp này đề cập đến vấn đề an ninh.

Ông Ghattas cho biết thêm sẽ chỉ định một người lãnh đạo chính phủ đoàn kết dân tộc, các phó thủ tướng và các thành viên chính phủ, điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc tham vấn để soạn thảo hiến pháp.

Ngày 2/3 vừa qua, HOR và GNC đã đồng ý nối lại cuộc đàm phán hòa bình do Liên hợp quốc làm trung gian nhằm tìm giải pháp chấm dứt tình trạng bất ổn kéo dài tại quốc gia Bắc Phi này.

Trước đó, HoR đã rút khỏi đàm phán sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại thành phố miền Đông al-Qoba.

Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã tổ chức nhiều vòng đối thoại giữa các phe phái đối lập ở Libya. Tuy nhiên, đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp các bên đã nhất trí một thỏa thuận ngừng bắn.

Cuộc xung đột tại Libya gây ra khủng hoảng nhân đạo trầm trọng, làm ít nhất 120.000 người phải rời bỏ chỗ ở, đẩy đất nước vào tình trạng thiếu lương thực và thuốc men, trong khi số người thương vong do bạo lực ngày càng tăng.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Nga, ngày 5/3, phát biểu với hãng Thông tấn TASS (Nga), Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng tại Libya.

Hãng thông tấn Italy ANSA dẫn lời Thủ tướng Italy nói rằng vai trò của Nga trong vấn đề Libya sẽ rất quan trọng bởi Nga có mối quan hệ mang tính lịch sử với một nước lớn trong khu vực như Ai Cập và "tình hình ở Libya hiện nay là mang tính ưu tiên."

Liên quan đến tình hình chiến sự tại Ukraine, trong cả hai cuộc gặp với Tổng thống Putin và người đồng cấp Nga Dmitri Medvedev, Thủ tướng Renzi đều khẳng định không có một giải pháp nào có thể thay thế các giải pháp chính trị và ngoại giao trong các cuộc khủng hoảng quốc tế.

Ông Renzi kêu gọi ngừng bắn hoàn toàn, tái thiết chính quyền và đảm bảo quyền lợi cho những người dân ở khu vực miền Đông Ukraine.

Ông Renzi cũng bày tỏ hy vọng Tổng thống Putin và đông đảo người Nga sẽ đến thăm quan Triển lãm Thế giới Expo 2015 sẽ được khai mạc vào ngày 1/5 tới đây ở thành phố Milan, miền Bắc Italy.

Trước đó ngày 4/3, Thủ tướng Renzi đã thăm Ukraine và gặp gỡ Tổng thống nước chủ nhà Petro Poroschenko./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục