Libya: Hội đồng tổng thống tách khỏi Chính phủ Hòa hợp dân tộc

Các đại diện Quốc hội và Hội đồng Nhà nước Libya đã nhất trí tách Hội đồng tổng thống ra khỏi GNA và giảm số thành viên xuống còn 3 người, trong đó có một chủ tịch và 2 phó chủ tịch.
Libya: Hội đồng tổng thống tách khỏi Chính phủ Hòa hợp dân tộc ảnh 1Lực lượng trung thành với Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) tại một chốt kiểm soát ở thành phố Sirte, phía đông thủ đô Tripoli ngày 22/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 1/10, các đại diện Quốc hội (Hạ viện) và Hội đồng Nhà nước Libya (Thượng viện) đã nhất trí tổ chức lại cơ cấu hoạt động của Hội đồng tổng thống thuộc Chính phủ Hòa hợp dân tộc (GNA). Để có hiệu lực, quyết định này phải được Quốc hội và Hội đồng Nhà nước chính thức thông qua.

Theo ông Mohamed Lino, thành viên Quốc hội Libya, các đại diện Quốc hội và Hội đồng Nhà nước đã nhất trí tách Hội đồng tổng thống ra khỏi GNA và giảm số thành viên xuống còn 3 người, trong đó có một chủ tịch và 2 phó chủ tịch.

Mặc dù vậy, ông Mohamed Lino cho biết hiện vẫn còn 2 điểm bất đồng chưa được giải quyết, đó là việc bổ nhiệm chủ tịch và 2 phó chủ tịch Hội đồng tổng thống cũng như vị trí tư lệnh quân đội tối cao.

Trước đó, phái bộ Liên hợp quốc tại Libya đã bảo trợ cho vòng đàm phán mới giữa GNA và chính quyền đối lập Libya tại nước láng giềng Tunisia từ ngày 26/9 nhằm sửa đổi thỏa thuận chính trị được người đứng đầu phái bộ này đưa ra trong nỗ lực chấm dứt thế bế tắc chính trị ở Libya.

Sau gần một tuần làm việc chung, các bên đã đạt được đồng thuận về một số vấn đề quan trọng bổ sung cho thỏa thuận hòa bình 2015, song việc triển khai thỏa thuận vẫn gặp phải một số vấn đề do vấp phải sự phản đối của Quốc hội đối với một số điều khoản.

Điều 8 của thỏa thuận là một trong những cản trở chính, do điều này quy định tất cả lãnh đạo quân đội và an ninh cấp cao phải do Hội đồng tổng thống bổ nhiệm và người đứng đầu Hội đồng tổng thống đồng thời là Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang.

Trong khi đó, cơ quan lập pháp ở miền Đông và Tư lệnh, tướng Khalifa Haftar yêu cầu vị trí Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang phải thông qua Quốc hội bầu chọn.

[Tòa án Hình sự Quốc tế ra lệnh bắt giữ chỉ huy cấp cao quân đội Libya]

Libya chìm vào bất ổn kể từ sau làn sóng nổi dậy năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Đất nước bị chia cắt thành hai miền Đông-Tây với các cơ quan lập pháp và chính phủ tồn tại song song, có quân đội riêng và hoạt động theo các khôn khổ chính trị đối lập.

Cuối tháng Bảy vừa qua, nhờ những nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, người đứng đầu GNA được LHQ công nhận Fayez Sarraj đại diện cho chính quyền miền Tây đã gặp lãnh đạo quân đội miền Đông Khalifa Haftar tại Paris.

Tại đây, hai bên đã ký kết thỏa thuận ngừng bắn đồng thời nhất trí cùng ngồi lại làm việc về các cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội cũng như tìm giải pháp bảo vệ quốc gia này khỏi chủ nghĩa khủng bố và nạn buôn lậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục