Libya kêu gọi người dân cảnh giác sau khi Bộ Ngoại giao bị tấn công

Libya kêu gọi người dân cảnh giác, đồng thời tái khẳng định sự cần thiết phải đoàn kết chống lại các hành động khủng bố nhằm phá hoại nền an ninh và sự ổn định của đất nước.
Libya kêu gọi người dân cảnh giác sau khi Bộ Ngoại giao bị tấn công ảnh 1Lực lượng chức năng được triển khai khắc phục hậu quả vụ tấn công liều chết ở Tripoli ngày 25/12/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 25/12, Chính phủ Libya đã kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác sau khi xảy ra vụ tấn công liều chết nhằm vào trụ sở Bộ Ngoại giao Libya ở thủ đô Tripoli trước đó cùng ngày.

Trong một tuyên bố, Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) đã lên án mạnh mẽ vụ tấn công "hèn nhát" xảy ra vào sáng 25/12 tại trụ sở Bộ Ngoại giao ở trung tâm Tripoli.

Tuyên bố kêu gọi người dân cảnh giác, đồng thời tái khẳng định sự cần thiết phải đoàn kết chống lại các hành động khủng bố nhằm phá hoại nền an ninh và sự ổn định của đất nước.

Cùng ngày, phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) cũng lên án vụ tấn công đẫm máu trên, đồng thời gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân cũng như cầu chúc những người bị thương nhanh chóng bình phục.

[Trụ sở Bộ Ngoại giao Libya tại Tripoli bất ngờ bị tấn công]

Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Libya Ghassan Salame khẳng định phái bộ sẽ hợp tác với người dân nước sở tại nhằm ngăn chặn các nhóm khủng bố thực hiện tội ác.

Trước đó, lực lượng an ninh Libya cho biết một số tay súng đã tấn công liều chết nhằm vào trụ sở Bộ Ngoại giao Libya ở thủ đô Tripoli. Nguồn tin cho hay các phần tử khủng bố đã xả súng và tấn công địa điểm trên bằng các thiết bị nổ, khiến 3 người thiệt mạng.

Libya rơi vào tình trạng bất ổn và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Moamar Gadhafi năm 2011.

Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị.

Hiện ở quốc gia này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm GNA được Liên hợp quốc ủng hộ hoạt động tại thủ đô Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Serraj lãnh đạo và một chính quyền tại miền Đông được Tướng Haftar hậu thuẫn.

GNA vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội riêng, mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục