Libya tăng cường quân đội ở biên giới với Tunisia

Khoảng 20 binh lính Libya có mặt tại cửa khẩu Wazin giữa Libya và Tunisia, 40 lính khác cũng đang trên đường tới bằng xe tải.
Ngày 1/3, quân đội Libya đã trở lại cửa khẩu Wazin giữa Libya và Tunisia. Các nhân chứng cho biết đã nhìn thấy khoảng 20 binh lính tại cửa khẩu này.

Họ là những binh lính thông thường, mang theo súng máy Kalashnikov, một vài người trong số này đeo khăn quàng cổ màu xanh - màu của phe ủng hộ Tổng thống Libya Muammar Gaddafi. Không có xe tăng. Ngoài ra còn có hai xe tải chở khoảng 40 lính đang trên đường tới cửa khẩu Wazin.

Các lá cờ màu xanh cũng đã được kéo lên tại cửa khẩu biên giới này. Trong khi đó, các thủ lĩnh phe nổi dậy, lực lượng hiện chiếm giữ một số vùng miền Đông Libya, đã thành lập một hội đồng quân sự và đang tìm cách tuyển quân, gồm những người tình nguyện hoặc binh sĩ đào ngũ.

Một sĩ quan quân đội chính phủ gia nhập phe đối lập nói rằng đã thu nạp được hơn 10.000 người tại Ajdabiyah, cách thủ đô Tripoli khoảng 800km.

Trong một diễn biến khác, nguồn tin quốc phòng giấu tên của Mỹ cho biết tàu khu trục USS Barry ngày 1/3 đã đi qua Kênh đào Suez từ Biển Đỏ và hiện đang ở phía Tây Nam của Địa Trung Hải. Hai tàu đổ bộ tấn công, USS Kearsarge và USS Ponce, đang ở Biển Đỏ và theo kế hoạch, đi qua Kênh đào Suez trong sáng nay (2/3).

Nhà Trắng nói rằng các tàu trên được huy động để sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực nhân đạo, song cũng "không loại trừ khả năng hành động quân sự."

Trước đó, đã có ba tàu chiến Mỹ có mặt tại Địa Trung Hải, gồm hai tàu khu trục và USS Mount Whitney - tàu điều khiển Hạm đội 6 của Mỹ có căn cứ tại Gaeta, Italy.

Cùng ngày, Thủ tướng Canada Stephen Harper cho biết tàu khu trục nhỏ HMCS Charlottetown của Hải quân nước này ngày 2/3 sẽ lên đường tới Libya tham gia các hoạt động của Canada cũng như của quốc tế nhằm sơ tán người nước ngoài ra khỏi Libya.

Tàu HMCS Charlottetown dài 134m, mang theo 225 thủy thủ và một máy bay trực thăng Sea King.

Trước đó, truyền thông Canada đưa tin các lực lượng đặc nhiệm của Canada đã "sẵn sàng" đến Libya cũng nhằm mục đích hỗ trợ nhân đạo.

Trong một diễn biến liên quan, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) ngày 1/3 tuyên bố phản đối mọi hình thức can thiệp quân sự vào Libya trong bối cảnh Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc áp đặt một vùng cấm bay tại Libya.

Bộ Ngoại giao Iran cùng ngày cảnh báo phương Tây không được can thiệp quân sự vào Libya, không nên lợi dụng biểu tình để biến Libya thành một căn cứ quân sự.

Theo kế hoạch, Ngoại trưởng của 22 nước thành viên Liên đoàn Arập (AL) họp tại Cairo (Ai Cập) ngày 2/3 nhằm thông qua một nghị quyết phản đối sự can thiệp quân sự vào Libya.

Theo Phó Tổng thư ký AL, ông Ahmed Bin Heli, dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi đoàn kết dân tộc tại Libya, tăng cường hỗ trợ quốc gia này và ủng hộ thành lập một lực lượng tìm hiểu tình hình thực tế.

EU sẽ họp thượng đỉnh vào ngày 11/3 tới tại Brusssels, Bỉ nhằm thảo luận về tình hình Libya và đưa ra một cách thức phản ứng chung của khối về vấn đề này. Hội nghị do Thủ tướng Anh và Tổng thống Pháp cùng đề nghị, được Chủ tịch EU Van Rompuy tán thành.

Trong tuần này, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tổng thống Gaddafi, bao gồm phong tỏa tài sản và cấp nhập cảnh đối với ông Gaddafi và 25 nhân vật thân cận với ông. Ngoài ra, EU cũng đã áp đặt lệnh cấm bán vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Libya./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục