Libya: Tranh cãi về khả năng áp đặt vùng cấm bay

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tiếp tục tranh cãi về kế hoạch lập vùng cấm bay tại Libya, đồng thời cân nhắc các biện pháp kinh tế.
Giao tranh giữa lực lượng trung thành với Tổng thống Libya Muammar Gaddafi và quân nổi dậy kéo dài đang khiến người dân lo ngại nguy cơ đất nước rơi vào nội chiến.

Quân đội Libya tiếp tục chiến dịch phản công, mở nhiều đợt không kích mới và nã pháo vào các vị trí của quân nổi dậy tại nhiều khu vực như cảng dầu Ras Lanuf và thị trấn Zawiyah.

Theo các nhân chứng, lực lượng của ông Gaddafi dường như đã giành được thế chủ động trong khi quân nổi dậy đang bị phân tán thành các nhóm nhỏ và đẩy vào sâu trong sa mạc.

Trong khi đó, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc tiếp tục tranh cãi về kế hoạch lập vùng cấm bay tại Libya đồng thời cân nhắc các biện pháp kinh tế để cô lập Libya.

Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Lynn Pascoe cho biết trong cuộc họp ngày 8/3, Hội đồng Bảo an đã đề cập khả năng áp đặt một vùng cấm bay tại Libya, tuy nhiên chưa có đề nghị chính thức nào được đưa ra do các nước thành viên vẫn bất đồng về vấn đề này.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron đã thảo luận về tình hình Libya và nhất trí sẽ phối hợp xúc tiến những giải pháp khả thi đối với Libya, trong đó có giải pháp lập vùng cấm bay.

Anh và Pháp đã chuẩn bị một dự thảo nghị quyết, song giới ngoại giao dự đoán Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an, sẽ phản đối mọi hành động quân sự nhằm vào Libya.

Ngay trong nội bộ chính quyền Mỹ, phương án lập vùng cấm bay tại Libya cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Thượng nghị sỹ Cộng hòa Richard Lugar cho rằng không nên phát động một cuộc tấn công quân sự vào một nước Hồi giáo nếu chưa cân nhắc kỹ về hậu quả.

Chủ tịch Ủy ban quân lực Hạ viện Mỹ Buck McKeon cho rằng Tổng thống Obama không nên can dự vào công việc của Libya.

Nhà Trắng dự kiến ngày 9/3 tổ chức cuộc họp các cố vấn an ninh hàng đầu, trong đó có Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Leon Panetta và Cố vấn an ninh Quốc gia Tom Donilon để bàn về các phương án đối với Libya.

Cùng ngày, tuyên bố trên kênh truyền hình Sky News, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rõ bất cứ quyết định nào nhằm áp đặt một vùng cấm bay ở Libya đều phải do Liên hợp quốc đưa ra, chứ không phải Mỹ.

Tuyên bố này được cho là khẳng định quan điểm của chính quyền Obama rằng bất kỳ hành động quân sự nào chống Libya đều phải được hợp pháp hóa và có sự phối hợp quốc tế.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley thừa nhận Washington đang liên hệ với các nhân vật đối lập tìm cách lật đổ ông Gaddafi.

Theo ông Crowley, Đại sứ Mỹ tại Libya Gene Cretz và các quan chức khác của Mỹ đã có cuộc gặp tại Cairo (Ai Cập) với các nhân vật nói trên, trong đó có một số người thuộc Hội đồng Dân tộc Libya tự xưng.

Theo báo Điện tín (Anh), nhằm gia tăng sức ép đối với chính quyền của ông Gaddafi, Anh đang nghiên cứu kế hoạch tịch thu toàn bộ nguồn thu từ dầu mỏ của Libya chuyển cho Liên hợp quốc kiểm soát, tương tự chương trình đổi dầu lấy lương thực áp dụng với Iraq sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh.

Mục tiêu của kế hoạch này là chặn nguồn cung tài chính của Tripoli. Theo ước tính, hiện nguồn thu từ dầu mỏ của Libya mỗi tuần khoảng 100 triệu USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục