Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc: Sự trở lại đáng mừng sau 4 năm

Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc được kỳ vọng là dịp chấn hưng loại hình biểu diễn cổ truyền, khích lệ tinh thần những người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.
Một cảnh trong vở cải lương Huyền thoại gò Rồng Ấp của Nhà hát Cải lương Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Một cảnh trong vở cải lương Huyền thoại gò Rồng Ấp của Nhà hát Cải lương Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)

Gần đến ngày khai mạc Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc, nghệ sỹ ưu tú Trần Quang Khải, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn cải lương thể nghiệm, Nhà hát Cải lương Việt Nam, càng cảm thấy hồi hộp. Anh sẽ vào vai thiền sư Vạn Hạnh trong vở cải lương “Huyền thoại gò Rồng Ấp.”

Đã 4 năm rồi, “sân chơi lớn” của các nghệ sỹ cải lương mới trở lại. Nghĩ đến những ngày tháng chật vật “bám” nghề, những buồn tủi khi nhà hát phải đóng cửa do dịch COVID-19, nghệ sỹ Trần Quang Khải rưng rưng xúc động. Cảm giác này cũng đặc biệt không khác gì lần đầu tiên anh được biểu diễn trên sân khấu rực rỡ ánh đèn.

‘Bừng tỉnh’ sau giấc ngủ dài

Cách đây vài năm, nhiều người từng than rằng “cải lương đang ngắc ngoải,” “cải lương sắp chết tức tưởi”… thì nay, cải lương dường như đang “bừng tỉnh” sau giấc ngủ dài. Nghệ sỹ cải lương hứa hẹn sẽ trở lại thật tưng bừng, chiêu đãi khán giả lời ca tiếng hát thật “mùi”, thật “ngọt”.

Nhà hát Cải lương Việt Nam có hai đoàn (80 người) sẽ biểu diễn trong ngày 18/11. Đoàn cải lương truyền thống tham dự liên hoan với vở “Nguyễn cầm ca-Kiều” (nhà văn Nguyễn Hiếu viết kịch bản, nghệ sỹ ưu tú Phan Ngọc Chi chuyển thể cải lương, nghệ sỹ nhân dân Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn). Đoàn cải lương thể nghiệm mang đến liên hoan vở diễn mới dàn dựng “Huyền thoại gò Rồng Ấp” (kịch bản của phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, do nghệ sỹ nhân dân Triệu Trung Kiên dàn dựng).

Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc: Sự trở lại đáng mừng sau 4 năm ảnh 1Nghệ sỹ ưu tú Trần Khải trong vai thiền sư Vạn Hạnh. (Ảnh: NVCC)

“Tôi tin chắc rằng các nghệ sỹ đều có chung cảm xúc vui mừng, xúc động bởi đã quá lâu rồi chúng tôi mới được tham dự ngày hội chung của sân khấu cải lương, nhất là sau khi trải qua những ngày tháng khó khăn do dịch bệnh. Lúc đó, tôi cảm nhận rằng sinh mệnh con người thật mong manh. Giờ đây, cảm giác được sống khỏe mạnh, sống với đam mê nghệ thuật khiến tôi hạnh phúc và phấn chấn hơn bao giờ hết,” nghệ sỹ Trần Quang Khải chia sẻ.

[Tạo cơ hội cho các tài năng trẻ tiếp nối giá trị nghệ thuật cải lương]

Anh nói thêm rằng liên hoan là dịp để các nghệ sỹ gặp gỡ, giao lưu, thi thố tài năng. Các đơn vị nghệ thuật đều mang tác phẩm tốt nhất của mình để tham dự, mong muốn để lại dấu ấn nghệ thuật của mình với khán giả cũng như các đồng nghiệp nghệ sỹ.

Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc: Sự trở lại đáng mừng sau 4 năm ảnh 2Cảnh Thúy Kiều dâng rượu cho Hoạn Thư trong vở 'Nguyễn Cầm Ca-Kiều' của Nhà hát Cải lương Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ở phía Nam, Nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) tham diễn với 2 vở “Thái sư Trần Thủ Độ” (tác giả, đạo diễn: Quốc Khánh) và “Làm vua” (tác giả: Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: Nghệ sỹ ưu tú Nguyên Đạt).

Ông Văn Công Diệp, Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu cho hay hiện nay, không gian sân khấu được nhà hát mở rộng bằng việc sử dụng màn hình LED, trang trí mỹ thuật chỉn chu, tăng yếu tố minh họa, tạo hiệu ứng hoành tráng về quy mô và nghệ thuật cũng như sự độc đáo, mới lạ. Với sự phong phú về đề tài và tâm huyết của toàn êkip tham gia, ông tin rằng các vở diễn sẽ làm sáng diện mạo cải lương đất Bạc Liêu.

“Chúng tôi nỗ lực để khẳng định thương hiệu của Nhà hát Cao Văn Lầu. Việc đầu tư cho tác phẩm dự liên hoan cũng là kết quả bước đầu của quá trình thực hiện đề án phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021-2025, hướng tới việc đưa cải lương thành sản phẩm phục vụ du lịch,” ông Văn Công Diệp cho biết.

Long An vang tiếng đàn ca

Trong niềm hạnh phúc khi được trở lại sân khấu, các nghệ sỹ cải lương đều bày tỏ kỳ vọng rằng liên hoan sẽ là một điểm nhấn trong hoạt động văn hóa nước nhà. Tiếng đàn, tiếng ca sẽ mang lại một không khí nghệ thuật rộn ràng không chỉ ở Long An mà còn được phát sóng trên truyền hình, trên các nền tảng mạng xã hội, từ đó, tạo một hiệu ứng lan tỏa để cải lương mở rộng “đất sống.”

“Cá nhân tôi mong rằng liên hoan sẽ là dịp để các nhà quản lý đánh giá thực trạng phát triển chung của cải lương, từ đó có thể đưa ra được những giải pháp tốt nhất chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho lực lượng nghệ sỹ,” nghệ sỹ Trần Quang Khải bày tỏ.

Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc: Sự trở lại đáng mừng sau 4 năm ảnh 3Cảnh trong vở Huyền thoại gò Rồng Ấp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Anh cũng chia sẻ sự trăn trở khi cải lương đất Bắc ngày càng ít diễn viên trẻ. Nhìn vào số lượng sinh viên ít ỏi đang theo nghệ thuật cải lương tại Đại học Sân khấu Điện ảnh, nghệ sỹ Trần Quang Khải không khỏi lo lắng.

“Tôi hy vọng liên hoan sẽ là nơi phát hiện ra các tài năng trẻ, để tạo điều kiện tốt nhất cho họ phát triển. Đó sẽ là lực lượng kế cận lớp nghệ sỹ như chúng tôi, tạo nên bước đột phá cho cải lương sau này,” nghệ sỹ ưu tú Trần Quang Khải chia sẻ.

Bày tỏ kỳ vọng ở Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc, nghệ sỹ nhân dân Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, cũng mong rằng cơ quan quản lý nhà nước sẽ có cơ chế đặc thù để hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật truyền thống như cải lương bởi lâu nay, việc bán vé vốn gặp rất nhiều khó khăn.

Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho hay đa phần các vở diễn có khán giả nhờ hợp đồng hợp tác giữa các đơn vị chứ nhà hát không thể bán từng chiếc vé đến khán giả. Thực tế, sân khấu cải lương phía Bắc cũng không sôi động như ở phía Nam.

“Lâu nay, chúng tôi vẫn luôn đối mặt với bài toán khó là phải dựng những vở diễn có tư tưởng, mang quan điểm nghệ thuật chính thống, nhưng vẫn phải đáp ứng được thị hiếu khán giả,” nghệ sỹ nhân dân Triệu Trung Kiên bày tỏ.

Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc: Sự trở lại đáng mừng sau 4 năm ảnh 4Nghệ sỹ nhân dân Triệu Trung Kiên tin tưởng rằng liên hoan sẽ góp phần phát triển nghệ thuật cải lương. (Ảnh: NVCC)

Ông cũng lạc quan cho rằng liên hoan luôn là nơi các gương mặt trẻ được thể hiện bản thân, các ý tưởng sáng tạo đột phá được phô diễn. Do đó, ý nghĩa lớn nhất của liên hoan là khích lệ tinh thần những người làm nghệ thuật, để họ mạnh dạn cất lên tiếng nói của mình. Qua đây, liên hoan có thể góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật cải lương.

Về phía cơ quan quản lý, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng liên hoan là sân chơi hàng đầu của những người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, là dịp để mọi người cùng nhìn rõ diện mạo của sân khấu cải lương đương đại, từ sự trở lại đáng mừng cho đến cả những khó khăn, thách thức, cần tìm cách tháo gỡ và giải quyết.

“Liên hoan cũng là dịp hội tụ đông đảo nghệ sỹ, diễn viên và những người tâm huyết với sân khấu cải lương trong cả nước. Sự xuất hiện những gương mặt gạo cội cùng với nhiều nghệ sỹ, diễn viên trẻ lần đầu góp mặt chính là một vườn hoa đa sắc cho cải lương,” ông Trần Hướng Dương nói.

Theo Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, các vở diễn mang đề tài hiện đại chiếm ưu thế tại liên hoan với 16 vở, bên cạnh 7 vở đề tài lịch sử và 4 vở đề tài dân gian. Đặc biệt, liên hoan lần này ghi nhận sự tham gia của nhiều diễn viên trẻ với gần 300 diễn viên dưới 35 tuổi (chiếm khoảng 40%). Đây là tín hiệu vui, chứng tỏ các bạn trẻ vẫn còn rất say nghề, có ý thức giữ gìn nghệ thuật dân tộc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục