Liên hoan sân khấu kịch: Tín hiệu mới từ mô hình xã hội hóa

“Việc ‘gồng gánh’ cả một đoàn diễn viên, đạo cụ đi tham gia liên hoan vẫn luôn là bài toán khó đối với những ‘ông bầu, ‘bà bầu’ sân khấu tư nhân,” nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân chia sẻ.
Liên hoan sân khấu kịch: Tín hiệu mới từ mô hình xã hội hóa ảnh 1Một cảnh trong vở "Đàn bà... mấy tay" sẽ tham gia liên hoan của Sân khấu kịch Phú Nhuận. (Ảnh: Sân khấu kịch Phú Nhuận)

Theo thông tin từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 sẽ diễn ra từ ngày 11-26/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Quy chế mở

Ông Đỗ Kỷ - Phó Trưởng phòng Nghệ thuật (Cục Nghệ thuật Biểu diễn) cho biết, quy chế tổ chức liên hoan năm nay có nhiều điểm mở như: không hạn chế về đề tài các vở diễn; không hạn chế số lượng vở diễn tham gia cho các thành phần sáng tạo (biên kịch, đạo diễn…); chấp nhận các đơn vị có tư cách pháp nhân, có thời gian hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật kịch nói từ 12 tháng trở lên (tính đến thời điểm tham gia liên hoan)…

Bởi vậy, Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 có sự tham gia của nhiều đơn vị nghệ thuật mới thành lập trong những năm gần đây (chủ yếu ở Thành phố Hồ Chí Minh) như: Sân khấu kịch Minh Nhí, Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ giải trí sân khấu Buffalo, Sân khấu kịch Trịnh Kim Chi…

Mỗi đơn vị nghệ thuật tham gia một vở diễn. Tuy nhiên, với những đơn vị có nhiều đoàn biểu diễn (theo chức năng, nhiệm vụ do đơn vị chủ quản quy định), số lượng vở diễn tham gia liên hoan tương ứng với số lượng các đoàn. Theo đó, một số đơn vị nghệ thuật công lập tham gia hai vở diễn: Nhà hát Kịch Việt Nam (“Kiều,” “Bão tố Trường Sơn”), Nhà hát Tuổi Trẻ (“Nhà ôsin,” “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”), Nhà hát Kịch Hà Nội (“Vùng lạnh,” “Mảnh đất lắm người nhiều ma”)…

[Nghệ sỹ Việt dàn dựng “Romeo và Juliet”: Cuộc chơi mạo hiểm?]

Lực lượng nghệ sỹ tham gia biểu diễn thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Bên cạnh các diễn viên trẻ (Ốc Thanh Vân, Thu Quỳnh…), khán giả sẽ gặp lại nhiều gương mặt gạo cội của sân khấu kịch như: nghệ sỹ nhân dân Lê Khanh, nghệ sỹ ưu tú Chí Trung, nghệ sỹ ưu tú Đức Hải, nghệ sỹ ưu tú Trịnh Kim Chi…

Làm sao để dung hòa?

Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 có sự tham gia của 22 đơn vị nghệ thuật (trong đó có 13 đơn vị nghệ thuật ngoài công lập) với tổng số 27 vở diễn.

Đại diện ban tổ chức cho rằng, đây là một tín hiệu đáng mừng bởi các kỳ liên hoan trước thường là “cuộc chơi” của các đơn vị nghệ thuật nhà nước. Các đơn vị sân khấu tư nhân ít tham gia. Một trong những nguyên nhân quan trọng đưa tới sự thay đổi là việc lựa chọn địa điểm diễn ra liên hoan. Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm sân khấu lớn của cả nước, là địa bàn tập trung nhiều đơn vị sân khấu tư nhân nhất.

Liên hoan sân khấu kịch: Tín hiệu mới từ mô hình xã hội hóa ảnh 2Vở "Kiều" của Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ tham dự Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018. (Ảnh: Nhà hát Kịch Việt Nam)

“Đã là nghệ sỹ thì luôn muốn được biểu diễn. Các đơn vị nghệ thuật tư nhân cũng rất muốn tham dự các liên hoan để được giao lưu, học hỏi và giới thiệu tác phẩm của mình. Tuy nhiên, ‘cơm áo không đùa với khách thơ,’ việc ‘gồng gánh’ cả một đoàn nghệ sỹ, đạo cụ đi tham gia liên hoan vẫn luôn là bài toán khó với những ‘ông bầu, ‘bà bầu’ sân khấu tư nhân. Có khi vừa cười nói hân hoan hay khóc ròng trên sàn diễn nhưng khi bước vào cánh gà, màn nhung kéo lại, tôi lại lập tức phải trở về với những tính toán: nào là giá vé, nào là thù lao diễn viên, chi phí điện nước…,” nghệ sỹ nhân dân Hồng Vân - bà “bầu” của Sân khấu kịch Phú Nhuận chia sẻ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia trong lĩnh vực sân khấu cũng cho rằng, việc ban tổ chức chấp nhận các vở diễn cũ (dàn dựng trong thời gian từ năm 2014 trở lại đây) thể hiện sự “nới tay,” nhằm hạn chế tình trạng dàn dựng theo kiểu “ăn xổi” như những năm trước (gần đến thời điểm diễn ra liên hoan, các đơn vị mới vội vã tìm kiếm kịch bản, dàn dựng vở để đi tham dự).

Thay vì áp lực dựng vở mới, các nhà hát, đoàn nghệ thuật sẽ có điều kiện trau chuốt lại vở diễn để nâng cao chất lượng nghệ thuật. Đây cũng là cách để khuyến khích các đơn vị nghệ thuật tham gia sân chơi này nhiều hơn.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nhiều ý kiến cho rằng, việc giới hạn thời lượng các vở diễn tham gia liên hoan (từ 90-120 phút) cũng chưa hợp lý. “Trên thực tế, có khá nhiều vở diễn chất lượng cao có độ dài khoảng 150 phút. Nếu cắt gọt, thu gọn các phân cảnh để rút ngắn thời gian, phù hợp với quy chế của liên hoan thì sẽ gây ảnh hưởng đến kết cấu chung, chất lượng nghệ thuật của vở diễn,” đạo diễn Lê Nam bày tỏ.

Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục