Liên hợp quốc bổ nhiệm đặc phái viên lâm thời về vấn đề Liban

Nhà ngoại giao Đan Mạch có kinh nghiệm tại Afghanistan và châu Phi, bà Pernille Dahler Kardel đã được bổ nhiệm làm đặc phái viên tạm thời của Liên hợp quốc về Liban.
Liên hợp quốc bổ nhiệm đặc phái viên lâm thời về vấn đề Liban ảnh 1Thủ tướng Liban Saad al-Hariri tới sân sân bay quốc tế Beirut ngày 21/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, nhà ngoại giao Đan Mạch có kinh nghiệm tại Afghanistan và châu Phi, bà Pernille Dahler Kardel đã được bổ nhiệm làm đặc phái viên tạm thời của Liên hợp quốc về Liban, trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này đang nỗ lực tìm lối thoát cho căng thẳng chính trị hiện nay.

Ngày 22/11, người phát ngôn Liên hợp quốc cho biết bà Kardel sẽ thay thế bà Sigrid Kaag, người Hà Lan, kết thúc nhiệm kỳ 2 năm. Bà Kardel từng là Phó Trưởng phái đoàn Liên hợp quốc tại Afghanistan và là Đại sứ Đan Mạch tại Ai Cập, Ethiopia, Sudan, Nam Sudan, Djibouti cũng như đại diện của Đan Mạch tại Liên minh châu Phi (AU) và các tổ chức khu vực khác của châu Phi.


[Thủ tướng Liban Saad al-Hariri hoãn đệ đơn từ chức]

Trên cương vị mới, nhiệm vụ của bà Kardel được đánh giá là không dễ dàng khi tình hình chính trị tại Liban có nhiều diễn biến phức tạp. Sau khi trở lại Beirut, ngày 22/11, Thủ tướng Liban Saad al-Hariri thông báo ông đã chấp thuận đề nghị của Tổng thống nước này Michel Aoun, theo đó hoãn việc đệ đơn từ chức và tiến hành thêm các cuộc tham vấn.

Trước đó, ngày 4/11, trong một phát biểu trên truyền hình từ thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, ông al-Hariri bất ngờ tuyên bố từ chức với lý do "Iran gia tăng ảnh hưởng chính trị trong khu vực" và rằng tính mạng của ông đang bị đe dọa. Tuyên bố gây sốc của chính khách này đã làm dấy lên quan ngại rằng Liban - quốc gia vốn chia rẽ giữa phe do ông al-Hariri, đồng minh của Saudi Arabia đứng đầu - và phong trào Hồi giáo Hezbollah được Iran ủng hộ - trở thành tâm điểm của một cuộc tranh giành ảnh hưởng tại khu vực giữa Saudi Arabia và Iran.

Tổng thống Aoun không chấp nhận tuyên bố từ chức của ông Hariri, cho rằng việc này trái với hiến pháp vì đơn từ chức không được trình lên tổng thống tại Liban./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục