Liên hợp quốc hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ Latinh

ECLAC khẳng định trong năm nay kinh tế Mỹ Latinh tăng trưởng nhẹ so với mức 2,5% của năm 2013 và giảm so với ước tính 3,2% mà cơ quan này đưa ra tháng 12/2013.

Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh và Caribbean của Liên hợp quốc (ECLAC) ngày 29/4 đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của vùng này trong năm nay xuống 2,7% do các nền kinh tế lớn nhất khu vực là Brazil, Mexico và Argentina sẽ đạt tăng trưởng thấp hơn so với dự kiến trước đó.

Trong một thông cáo, ECLAC khẳng định trong năm nay kinh tế Mỹ Latinh tăng trưởng nhẹ so với mức 2,5% của năm 2013 và giảm so với ước tính 3,2% mà cơ quan này đưa ra tháng 12 năm ngoái.

Theo dự báo mới này, Brazil sẽ đạt tăng trưởng 2,3% và Mexico đạt 3%, giảm so với mức tương ứng 2,6% và 3,5% được dự kiến cuối năm ngoái.

Trong khi đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Argentina sẽ chỉ tăng 1%, do đầu năm nay nước này phá giá mạnh đồng nội tệ và tăng lãi suất, điều sẽ tác động tiêu cực về ngắn hạn tới tăng trưởng.

Trong dự báo cuối năm ngoái, ECLAC cho rằng Argentina đạt tăng trưởng 2,6% trong năm nay.

Venezuela là nước duy nhất bị tăng trưởng âm, với GDP giảm 0,5%, thay vì tăng 1% theo dự kiến trước. Theo ECLAC, một trong những nguyên nhân là do tình trạng thiếu ngoại tệ.

Thông cáo chỉ rõ Panama tiếp tục đứng đầu về tốc độ tăng trưởng tại khu vực, với mức tăng 7%. Trong nhóm các nước đạt tăng trưởng cao nhất còn có Bolivia, Peru, Ecuador, Nicaragua và Cộng hòa Dominica, đều đạt mức tăng từ 5% trở lên.

Theo ECLAC, nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu trên thế giới giảm, đặc biệt là khoáng sản và lương thực, và giá các sản phẩm này sụt do đồng tiền của các nước phát triển tăng giá, sẽ ảnh hưởng tới các nền kinh tế xuất khẩu các mặt hàng trên, trong đó có các nước Nam Mỹ.

Thông cáo khẳng định việc kinh tế Mỹ phục hồi sẽ tác động tích cực tới các nền kinh tế của các nước nằm gần, đặc biệt là Mexico và các quốc gia Trung Mỹ, đều có quan hệ thương mại quan trọng với Mỹ.

Mặc khác, sự hồi phục của các nền kinh tế phát triển sẽ có lợi cho các nước vùng Caribbean mạnh về xuất khẩu dịch vụ, do ngành du lịch khởi sắc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục