Liên hợp quốc tìm cách giải quyết khủng hoảng chính trị ở Bolivia

Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc hy vọng tổ chức này có thể đóng góp vào "tiến trình ổn định nhanh chóng" để dẫn đến cuộc bầu cử mới sau khi Tổng thống Evo Morales từ chức.
Liên hợp quốc tìm cách giải quyết khủng hoảng chính trị ở Bolivia ảnh 1Tổng thống tạm quyền Bolivia Jeanine Anez (phải, phía trước) sau khi tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội ở La Paz ngày 12/11/2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc và tại Nam Mỹ, ông Jean Arnault, Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc, đã gặp Tổng thống lâm thời Bolivia Jeanine Anez để tìm cách giúp nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị khi Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại tình hình ở Bolivia có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Sau cuộc gặp với Tổng thống lâm thời Bolivia, Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc hy vọng tổ chức này có thể đóng góp vào "tiến trình ổn định nhanh chóng" để dẫn đến cuộc bầu cử mới sau khi Tổng thống Evo Morales từ chức và sống lưu vong ở Mexico.

Trước đó, Tổng thống lâm thời Jeanine Añez đã ký một sắc lệnh miễn truy cứu mọi trách nhiệm hình sự đối với các lực lượng vũ trang trong bối cảnh các cuộc biểu tình đang diễn ra trên khắp quốc gia Nam Mỹ này phản đối lại hành vi mà nhiều người cho rằng là một cuộc đảo chính.

Sắc lệnh 4078, được ký ngày 14/11 ngay trước cuộc đụng độ của lực lượng quân đội và cảnh sát với người trồng coca tại vùng Cochabamba biểu tình ủng hộ ông Evo Morales, trong đó ít nhất 9 người biểu tình thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương.

[Khủng hoảng ở Bolivia thiếu một giải pháp hợp hiến]

Sắc lệnh có đoạn viết: "Những người thuộc Lực lượng vũ trang, khi tham gia các chiến dịch tái thiết lập trật từ và trị an công cộng, sẽ được miễn trừ mọi trách nhiệm hình sự khi vì thực thi chức năng hợp hiến của mình, có hành động tự vệ chính đáng và trong hoàn cảnh cần thiết."

Ủy ban Nhân quyền liên Mỹ, thuộc Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) chỉ trích sắc lệnh này là không tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về nhân quyền và khuyến khích việc đàn áp bằng bạo lực, trong khi Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Michelle Bachelet cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các hành vi bạo lực và khả năng tình hình trở nên tồi tệ hơn tại Bolivia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục