Liên kết dạy nghề cho nông dân theo địa chỉ

Trong tháng 7/2009, tỉnh Thanh Hóa đã liên kết với các doanh nghiệp mở 6 lớp dạy nghề miễn phí cho gần 200 lao động nông nghiệp.
Trong tháng 7/2009, Trung tâm dạy nghề thuộc Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã liên kết các doanh nghiệp trên địa bàn mở được 6 lớp dạy nghề miễn phí, gồm may mặc, mây tre đan xuất khẩu, gieo ươm giống cây lâm nghiệp... cho gần 200 lao động nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm thuộc Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, thực hiện dự án “Tăng cường năng lực dạy nghề” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo năm 2009, Trung tâm đang chuyển mạnh theo hướng liên kết dạy nghề miễn phí theo địa chỉ.

Đây là cách đào tạo nghề rất thiết thực, hiệu quả, bởi sau 3 tháng được đào tạo, các học viên sẽ được kiểm tra tay nghề và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề và được nhận vào làm việc ngay tại doanh nghiệp hoặc tự tổ chức cơ sở sản xuất ngay tại địa phương hoặc tự tìm kiếm việc làm, đi xuất khẩu lao động...

Tại huyện Đông Sơn, Trung tâm phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Tuấn Đạt, đã tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề kỹ thuật ươm giống cây lâm nghiệp ngắn hạn miễn phí cho 62 lao động của 6 xã thuộc các huyện Đông Sơn, Ngọc Lặc, Hoằng Hóa.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Tuấn Đạt có trụ sở tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, là cơ sở chuyên sản xuất, ươm trồng các loại giống cây lâm nghiệp, với bề dày kinh nghiệm, cùng đội ngũ kỹ sư nông nghiệp, lao động lành nghề và tâm huyết với nghề, đang là địa chỉ cung cấp cây giống lớn cho nông dân trong và ngoài tỉnh, là môi trường tốt cho các học viên học tập.

Sau 3 tháng (18/7 - 18/10), các học viên sẽ được kiểm tra tay nghề và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề, làm cơ sở xin cấp phép tổ chức sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp hoặc tìm kiếm việc làm, góp phần ổn định và nâng cao đời sống.

Tại huyện Hoằng Hóa, Trung tâm đã liên kết với doanh nghiệp may mặc Thủy Chung tại xã Hoằng Quý mở 2 lớp dạy nghề may cho 62 lao động tại 5 xã gần địa bàn doanh nghiệp. Sau 3 tháng đào tạo thành nghề (16/7 - 16/10/2009), số lao động này sẽ được nhận vào làm việc trong doanh nghiệp hoặc được giới thiệu tuyển dụng đi xuất khẩu lao động nước ngoài.

Cũng trong tháng 7/2009, Trung tâm đã liên kết với xí nghiệp chế biến lâm sản xuất khẩu Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, doanh nghiệp sản xuất đá mỹ nghệ Đông Hoàng, huyện Đông Sơn mở các lớp dạy nghề mây tre đan và tạo tác đá mỹ nghệ xuất khẩu cho hơn 60 lao động...
 
Bằng phương thức liên kết này, trong mấy năm gần đây, Trung tâm đã đào tạo được trên 450 lao động có việc làm. Ngoài ra, Trung tâm còn mở được 47 lớp đào tạo tập trung với tổng số gần 2.000 lao động, trong đó có gần 50% đã đi xuất khẩu lao động, số còn lại cũng đều tìm việc làm tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong và tỉnh ngoài.
 
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trung tâm, với nguồn kinh phí hỗ trợ từ các Trung tâm dạy nghề Hội Nông dân Việt Nam và ngân sách tỉnh còn hạn chế (bình quân 300.000 đồng/học viên/khoá học) trong khi lao động nông nghiệp còn nghèo nên nhiều lao động muốn được học nghề vẫn chưa có khả năng tiếp cận.
 
Mặt khác, nhiều địa phương mặc dù lao động dôi dư nhiều nhưng do chưa có ngành nghề truyền thống, chưa có doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn nên việc tổ chức liên kết dạy nghề theo địa chỉ vẫn khó thực hiện... ./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục