Liên kết để chống biến đổi khí hậu toàn cầu

Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm nay, Liên hợp quốc đã quyết định chọn chủ đề "Thế giới cần bạn - Hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu" để thu hút sự quan tâm cũng như nâng cao tinh thần "chung vai gánh vác" của người dân, chính phủ cùng các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ "ngôi nhà chung" trái đất.

Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm nay, Liên hợp quốc đã quyết định chọn chủ đề "Thế giới cần bạn - Hãy liên kết chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu" để thu hút sự quan tâm cũng như nâng cao tinh thần "chung vai gánh vác" của người dân, chính phủ cùng các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ "ngôi nhà chung" trái đất.
 
Trong thư ngỏ nhân ngày Môi trường thế giới, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh: "Cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu hiện nay thực sự là một hồi chuông cảnh báo cho toàn thế giới về sự cần thiết phải cải thiện những mô hình phát triển già nua, cũ kỹ để chuyển đổi sang mô hình phát triển mới xanh và sạch hơn".
 
Theo ông Ban Ki-moon, trái đất đang đứng trước mối đe dọa sống còn do biến đổi khí hậu và mọi quốc gia sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu không ngăn chặn kịp thời ngay từ bây giờ.
 
Trong số những "nạn nhân" của tình trạng biến đổi khí hậu, các nước nghèo, các nước ở vùng địa hình thấp và quốc đảo là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả. Tuy nhiên, thiệt thòi nhất vẫn là tầng lớp dân nghèo, đặc biệt là phụ nữ - những người không được thực sự bảo vệ trước những cơn "thịnh nộ" của thiên nhiên đang xảy ra ngày càng thường xuyên và tàn khốc hơn, mà nguyên nhân là biến đổi khí hậu.
 
Tuy nhiên, vẫn có cơ hội để thay đổi điều này, nếu cộng đồng thế giới thực sự muốn cứu trái đất và cũng là cứu vãn sự sống của chính mình. Vòng đàm phán chủ chốt về biến đối khí hậu của Liên hợp quốc, diễn ra từ 7 - 18/12 tới ở thành phố Copenhagen của Đan Mạch, là cơ hội để thế giới đạt được một "Thỏa thuận Xanh mới" thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012.
 
Thỏa thuận này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho việc tập trung đầu tư phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo; xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường và phát triển nền kinh tế ít cácbon thông qua việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ rừng.
 
Những hành động này vừa tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế, vừa tạo tiền đề cho một sự tăng trưởng bền vững và ngăn chặn sự ấm lên toàn cầu.
 
Nhưng để làm được những điều này, toàn thế giới cần phải đoàn kết, cả trong tư tưởng và hành động, đặc biệt hội nghị Copenhagen sắp tới phải đưa ra được những quyết định quan trọng cho một thỏa thuận mới. Hành động của mỗi cá nhân, dù nhỏ, cũng sẽ góp phần tạo nên sức mạnh tổng thể trong nỗ lực chung toàn cầu chống biến đổi khí hậu và tạo ra sự thay đổi lớn cho tương lai của trái đất./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục