Liên kết doanh nghiệp sản xuất nội địa để "nối dài” sức mạnh

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần liên kết để tăng sức mạnh, tuy nhiên môi trường kinh doanh bình đẳng chính là điều kiện cần để thực hiện nó.
Liên kết doanh nghiệp sản xuất nội địa để "nối dài” sức mạnh ảnh 1Doanh nghiệp sản xuất trong nước muốn liên kết để "nối dài" sức mạnh. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

“Tiên phong-Đổi mới-Tự cường,” đó là khẩu hiệu hướng tới của Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, nhiệm kỳ (2014-2017). Tuy nhiên ước vọng này không phải chỉ có ở Hiệp Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội mà nó còn là mong muốn chung của cộng đồng doanh nhân Việt Nam, khi mà những rủi ro về địa chính trị mới đây đã gióng hồi chuông cảnh báo về sự phụ thuộc kinh tế và những nguy cơ tiềm ẩn trong một tương lai không xa.

"Cả thế giới phải thua
?"

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam đã thốt lên,“cả thế giới phải thua Trung Quốc nếu chỉ xét về giá. Do đó, Trung Quốc đã thắng thầu hầu hết các dự án lớn tại Việt Nam.”

Theo ông Thụ, từ năm 2003 đến năm 2011, nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) tới 5/6 dự án hóa chất; 2/2 dự án chế biến khoáng sản; 49/62 dự án xi măng, 16/27 dự án nhiệt điện và nhiều dự án giao thông trên toàn quốc.

Vấn đề lớn đặt ra, các nhà thầu Trung Quốc sau khi trúng thầu thường sử dụng vật tư, sắt thép, phụ tùng, phụ kiện của họ (trong khi những thứ này vẫn có thể chế tạo tại Việt Nam) và cả lao động nước ngoài phổ thông sang làm tại các công trình này.

Cụ thể, ông Thụ dẫn chứng, Nhà máy Alumin Lâm Đồng có gói thầu là 466 triệu USD, song phần việc giao cho Việt Nam 170 tỷ đồng (không được 8 triệu USD). Nhà máy Alumin Nhân Cơ giá trị hợp đồng là 499 triệu USD, nhà thầu phụ Việt Nam đảm nhận phần công việc trị giá 53 tỷ đồng (2,5 triệu USD).

Ông Thụ khẳng định, ngành công nghiệp cơ khí đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi mà tổng thầu các dự án công nghiệp (nhà thầu Trung Quốc) không dành những phần việc cho cơ khí trong nước.

Thực tế, việc chủ động về công nghệ và nguồn cung… cũng như thị trường đầu ra là bài toán được cả nền kinh tế giải quyết trong nhiều thập kỷ qua. Song đến như ngành dệt-may, một ngành công nghiệp mũi nhọn, đóng góp tới 10% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, đưa Việt Nam đứng tốp 5 trong 153 nước xuất khẩu may mặc trên thế giới, thì hơn 40 năm qua (kể từ những năm 1970) hầu như vẫn chỉ dừng khâu sản xuất đơn thuần.

Bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, trong ngành dệt may hoạt động gia công chiếm 70% trong cấu trúc sản xuất và xuất khẩu chiếm 86% năng lực sản xuất, song thu nhập thì thấp, cộng thêm sự biến động lớn về lao động đang là mối đe dọa đến sự phát triển ổn định của ngành trong tương lai.

Trong khi đó, nước láng giềng Trung Quốc lại có thế mạnh cả về năng lực cũng như cấu trúc sản xuất và đương nhiên là cả cạnh tranh về giá.

Theo bà Dung, năng lực xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc chiếm 40%, dệt và sợi kéo chiếm khoảng 50% sản lượng toàn cầu. Việt Nam với tình trạng “nút thắt cổ chai” tại khâu dệt nhuộm trong chuỗi cung ứng dệt may đã không tránh khỏi việc lệ thuộc quá lớn vào nguồn vải nhập khẩu (chiếm 86% tổng nhu cầu, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc là 46%).

Trong lĩnh vực thương mại và bán lẻ, sản phẩm hàng hóa của Trung Quốc không chỉ thâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng giá rẻ, mà gần đây hàng loạt các nhà cung cấp Trung Quốc đã xây dựng các trang website bán hàng sản xuất tại nước họ bằng tiếng Việt, với các phương thức giao dịch chọn gói từ đặt hàng, chuyển tiền đến vận chuyển, giao nhận… đồng thời họ công khai cả giá bán buôn, bán lẻ của các mặt hàng.

Giờ đây, từ người tiêu dùng đến doanh nghiệp thương mại không cần biết tiếng Trung Quốc và chỉ cần “cú ních chuột” là có thể mua hàng hầu hết các mặt hàng của Trung Quốc từ tay nhà sản xuất với các mức giá và chi phí vận chuyển mà doanh nghiệp Việt Nam khó lòng cạnh tranh.

Ghi nhận thực tế trên, bà Nguyễn Thị Dần, một tiểu thương bán hàng quần áo lâu năm, tại chợ Đồng Xuân cho biết, “chưa bao giờ buôn bán ế như những năm gần đây, thậm chí có vài ngày liên tục mà không mở hàng, các tiểu thương khác quay sang cạnh tranh nhau về giá nên lợi nhuận lại càng giảm sút. Năm 2013, tôi lỗ mấy trăm triệu đồng vì trót thuê thêm quầy mở rộng kinh doanh.”

Liên kết doanh nghiệp sản xuất nội địa để "nối dài” sức mạnh ảnh 2Hoạt động gia công chiếm 70% trong cấu trúc sản xuất ngành dệt may. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

“Ham rẻ để rồi trả giá đắt”

Việt Nam có một vị trí địa lý thuận lợi khi nằm sát ngay “công xưởng của thế giới.” Bên cạnh đó cũng phải công nhận, Trung Quốc là một trong những đối tác “biết điều” và họ cũng rất biết cách mang lại cảm xúc “hạnh phúc” cho các bên tham gia ký kết hợp đồng kinh tế.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh phải nhấn mạnh, “Trung Quốc là bậc thầy của mua chuộc,” đây cũng là một yếu tố cần phải quan tâm khi mà tổng thầu EPC tại nhiều dự án lớn được giao cho nhà thầu Trung Quốc.

“Ham rẻ để rồi trả giá đắt,” Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ hàm ý khi đưa ra hệ quả từ quá trình chọn nhà thầu với tiêu chuẩn giá là số một, “hầu hết các công trình chậm tiến độ từ 3 tháng đến 3 năm, chất lượng thiết bị không đồng đều, một số thiết bị phụ trợ đã bị thay thế với chất lượng thấp.

Trong nhiều dự án, thiết bị thay đổi so với cam kết ban đầu về cả tiêu chuẩn vật liệu và nhà cung cấp đồng thời giá hợp đồng cũng được điều chỉnh; đội giá là không thể tránh khỏi.”

“Tiền nào của nấy,” công nghệ giá rẻ thường đi theo đó sẽ là sản phẩm kém chất lượng và đầu ra chắc chắn chỉ có thể được tiếp nhận ở các thị trường “dễ dãi” như Trung Quốc.

Ông Đào Công Vũ, Tổng Thư ký Hiệp hội Titan Việt Nam cho biết, để tránh phục thuộc vào một thị trường cá biệt, ngành titan đã chủ động tiếp cận nhiều thị trường khác nhau, tuy nhiên hiện nay giá trị xuất khẩu đến các thị trường khác ngoài Trung Quốc chỉ chiếm hơn 45% tổng giá trị.

Bởi, Trung Quốc là thị trường khá dễ tính, trong khi các thị trường khác lại đòi hỏi doanh nghiệp trong nước phải đầu tư trang thiết bị hiện đại để có thể nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định sản lượng, giá cả phải cạnh tranh.

Do đó, ông Vũ cho rằng đây là nguyên nhân khiến ngành khai khoáng nói chung, ngành titan nói riêng vẫn ở trong tình trạng phụ thuộc vào nước láng giềng này.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh, Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế đã gần 2 thập kỷ, nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu tiến hành các hoạt động xuất nhập khẩu dựa trên các hợp đồng ngắn hạn, chưa tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

“Phần lớn các doanh nghiệp duy trì phương thức quản trị và kinh doanh cũ, “dễ dãi”, hợp với đối tác Trung Quốc. Do đó, vị thế của Việt Nam trong thương mại quốc tế rất thấp và mong manh (kể cả trong những mặt hàng ta có khối lượng lớn như nông sản), dễ bị tác động bởi biến động giá cả trên thị trường quốc tế và lệ thuộc vào một số bạn hàng ‘truyền thống’,” bà Lan nói.

Liên kết doanh nghiệp sản xuất nội địa để "nối dài” sức mạnh ảnh 3Việt Nam chưa tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng khu vực. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Kiểm soát “lợi ích nhóm”

Trước những rủi ro “nhãn tiền,” các hội, ngành trong cả nước khẩn trương lên các kế hoạch kết nối, liên kết cộng đồng doanh nghiệp để nhằm tạo sức mạnh trong cạnh tranh.

Tại, diễn đàn Doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ VII (trung tuần tháng Năm), các hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, thành đã đặt mục tiêu trọng tâm liên kết giữa các thành viên, nhằm nâng cao tiếng nói của hiệp hội đồng thời thúc đẩy liên doanh giữa các hội viên trong việc chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, xúc tiến thương mại.

Trong các ngành kinh tế, những chiến lược phát triển cũng được các ngành xây dựng khá cụ thể với đường hướng rõ ràng. Ngành dệt may đặt trọng tâm phát triển công nghiệp phụ trợ, trên cơ sở triển khai mô hình liên kết chuỗi.

Theo bà Dung, để làm được điều này, các doanh nghiệp trong ngành cần thúc đẩy các mặt hàng dệt may truyền thống với nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm kết hợp với nâng cao khả năng cạnh tranh không qua giá đồng thời tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng trong nước, tăng năng lực thiết kế, tìm kiếm thêm nguồn nguyên liệu từ các nước thay thế dần nguồn cung Trung Quốc.

 

Tương tự, ngành cơ khí cũng đặt ra mục tiêu liên kết liên kết, hợp tác sản xuất, xây dựng các tổ hợp chuyên ngành.

Mà theo ông Thụ, “để sản phẩm cơ khí chế tạo trong nước đứng vững và phát triển lâu dài, các doanh nghiệp cơ khí cần đặc biệt chú ý chất lượng sản phẩm cơ khí phải phù hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước và tiến tới đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, giá cả hợp lý, tiến tới thay thế hàng nhập khẩu đặc biệt là hàng Trung Quốc.”

Tuy nhiên để thực hiện được những mục tiêu trên, thì Việt Nam cần phải có một môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Do đó, tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng, Chính phủ phải có những giải pháp cụ thể trong việc kiểm soát lợi ích nhóm gây ra tác động nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng có quá nhiều sơ hở không đáng có, dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Bên cạnh sự công khai minh bạch, luật pháp cần quy chế độ trách nhiệm và kiểm soát quyền lực cá nhân đồng thời sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu và các luật pháp khác có liên quan.

Về phía doanh nghiệp, ông Doanh cũng đề xuất, “doanh nghiệp nên có chiến lược dài hạn đồng thời thực hiện đa dạng hóa quan hệ với đối tác, chấm dứt làm ăn chụp giật, lợi dụng quan hệ để kiếm lợi, vận dụng quản trị doanh nghiệp hiện đại, thu hút nhân tài, tạo ra sự khác biệt với đối thủ chứ không cạnh tranh chỉ bằng giảm giá”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục