'Liên kết kinh tế theo vùng/ngành của Việt Nam còn lỏng lẻo'

Việt Nam chưa có các cụm liên kết ngành như mô hình của các nước đang phát triển. Thực tế, các mối liên kết giữa các tác nhân trong cụm liên kết ngành còn rất yếu.
Sự kết nối của các chủ thế trong cụm liên kết ngành phần lớn là tự phát. (Ảnh: TTXVN)
Sự kết nối của các chủ thế trong cụm liên kết ngành phần lớn là tự phát. (Ảnh: TTXVN)

Thời gian qua, hoạt động cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng nâng cấp chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo mặc dù được chú trọng, song kết quả vẫn không thay đổi đáng kể về cơ cấu ngành kinh tế, sản phẩm xuất - nhập khẩu, thị trường xuất khẩu. Trên thực tế, các ngành nghề mới, sản phẩm mới (xu thế cách mạng công nghiệp 4.0) ít được hình thành, không đáng kể vào cơ cấu lại các ngành.

[Phát triển khu thương mại tự do để kết nối kinh tế vùng]

Đây là đánh giá được nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra tại Hội thảo “Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập: Nghiên cứu một số trường hợp tại Việt Nam,” diễn ra ngày 6/9.

Cụm liên kết… thiếu tính liên kết

Theo tiến sỹ Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng – CIEM, Việt Nam chưa có các cụm liên kết ngành như mô hình của các nước đang phát triển. Các mối liên kết giữa các tác nhân trong cụm liên kết ngành của Việt Nam còn yếu. Thực chất sự kết nối của các chủ thế phần lớn là tự phát (trong việc phân chia công đoạn tham gia các khâu trong chuỗi giá trị).

Báo cáo của CIEM chỉ ra hai dạng hình thái cụm liên kết công nghiệp phổ biến. Thứ nhất là các làng nghề truyền thống, “khu trú” tại một số khu công nghiệp. Hình thức này là một dạng liên kết cụm công nghiệp sơ khai với các mối liên kết theo quan hệ làng xã, dòng họ và kỹ thuật nghề của làng. Đến nay, cả nước có khoảng 2.000-3.000 khu công nghiệp-làng nghề, trong đó miền Bắc chiếm khoảng 70%. Hiện, tổng số cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp-làng nghề là khoảng 40.000, trong đó hơn 80% là các hộ kinh doanh cá thể.

Dạng thứ 2 là cụm công nghiệp, một số trường hợp điển hình như Khu công nghiệp Thăng Long (Nội Bài, Hà Nội) với sự tập trung của nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) Nhật Bản. Tại đây liên kết các doanh nghiệp lắp ráp cơ điện tử lớn như Canon, Panasonic với các doanh nghiệp cung cấp phụ tùng linh kiện cũng đến từ Nhật Bản như Nissei, Santomas, Yasufuku...; Hay, khu công nghiệp Nomura Hải Phòng tập trung vào các lĩnh vực phát triển công nghệ cao, chế tạo máy, cơ khí chính xác, sản xuất linh kiện ô tô và xe máy, linh kiện thiết bị điện tử, thiết bị hàng hải, bao bì và sản xuất sản phẩm giấy cao cấp…

'Liên kết kinh tế theo vùng/ngành của Việt Nam còn lỏng lẻo' ảnh 1Hội thảo “Cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập: Nghiên cứu một số trường hợp tại Việt Nam,” ngày 6/9. (Ảnh: Vietnam+)

Tuy nhiên, Thạc sỹ Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng Ban Nghiên cứu Kinh tế ngành và Lĩnh vực – CIEM, cho rằng hoạt động FDI ở các  khu công nghiệp này vẫn duy trì xu hướng khai thác lao động chi phí thấp và các ưu đãi thuế, đất đai.

Đến thời điểm này, khu vực FDI vẫn chưa tạo ra các hiệu ứng lan tỏa và phát triển năng lực sản xuất cho khu vực nội địa. Song, nguyên nhân lại xuất phát từ phía các cơ quan quản lý và doanh nghiệp của Việt Nam chưa chủ động có kế hoạch tiếp nhận làm chủ công nghệ, duy trì sự phụ thuộc vào khối ngoại trong quá trình vận hành, sử dụng dự án.

Chính sách thúc đẩy chưa hoàn thiện

Lý giải cho những tồn tại nêu trên, ông Tùng cho rằng cơ quan xây dựng chính sách chưa có định nghĩa đầy đủ về cụm liên kết ngành, dẫn đến nhiều cách hiểu và nhận thức không thống nhất, thêm vào đó đối tượng quản lý, chịu trách nhiệm cũng chưa rõ ràng.

[Quy mô kinh tế vùng Tây Nguyên được mở rộng và chuyển dịch đúng hướng]

Đơn cử, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định các chính sách hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành, nhưng vấn đề đặt ra lại chưa có văn bản quy định về cách thức/tiêu chí xác định cụm liên kết ngành. Nhìn chung, các chính sách thúc đẩy phát triển cụm liên kết ngành vẫn chưa hoàn thiện, như thiếu các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp lớn, đầu đàn tạo dựng các liên kết cũng như hỗ trợ các liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D).

“Mặt khác, việc phân công cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý cụm liên kết ngành theo từng khía cạnh chưa rõ và chưa đủ. Điều này dẫn đến tình trạng mặc dù có chủ trương phát triển song quá trình thực hiện còn vướng mắc,” ông Tùng nhấn mạnh.

Tiến sỹ Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM nhìn nhận thẳn thắn việc liên kết các vùng kinh tế trong giai đoạn vừa qua là chưa tốt, sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế. Do đó, cần chỉ rõ đâu là nguyên nhân khiến việc liên kết kinh tế theo ngành, vùng lỏng lẻo.

Gải pháp trước mắt, ông Bá đề xuất các cấp quản lý cần lựa chọn phát triển thí điểm một số mô hình cụm liên kết ngành trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Cụ thể, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển các cụm liên kết chế biến và tiêu thụ nông sản tại các địa phương, vùng miền có sản lượng lớn.

Mục tiêu cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành và tăng cường khả năng chống chịu giai đoạn 2021–2025:

'Liên kết kinh tế theo vùng/ngành của Việt Nam còn lỏng lẻo' ảnh 2(Nguồn: CIEM)

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Xuân Thúy chia sẻ quá trình làm việc với nhiều địa phương (liên quan đến xây dựng quy hoạch phát triển) cho thấy tư duy về liên kết ngành, cụm liên kết ngành rất hạn chế. Điều này ảnh hưởng đến công tác hoạch định chính sách, vì vậy cần thống nhất cách hiểu về cụm liên kết ngành với khái niệm của thế giới, trong đó đảm bảo sự quần tụ về địa lý, sự liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và cần một hệ sinh thái gồm cơ sở nghiên cứu, đào tạo…

Nhóm nghiên cứu của CIEM cũng đề xuất một số giải pháp thúc đẩy cơ cấu lại ngành kinh tế theo hướng theo hình thành các cụm liên kết ngành, trong đó tăng cường nâng cao nhận thức về vai trò của liên kết ngành trong cơ cấu ngành kinh tế. Lựa chọn phát triển thí điểm một số mô hình cụm liên kết ngành trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. chú trọng giải pháp về thị trường, nguồn vốn và thu hút đầu tư và chính sách đẩy mạnh liên kết, phát triển cụm liên kết ngành kinh tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục