Liên kết phát triển du lịch phải có trọng tâm, trọng điểm

Hội nghị hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phố phía Bắc với Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra tại Quảng Ninh.
Liên kết phát triển du lịch phải có trọng tâm, trọng điểm ảnh 1Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:Văn Đức/TTXVN)

Ngày 15/6, tại thành phố Hạ Long, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phố phía Bắc với Thành phố Hồ Chí Minh.

Hội nghị nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương về phát triển du lịch, xây dựng chuỗi sản phẩm, cải thiện dịch vụ, quảng bá hình ảnh...

Tham dự hội nghị có khoảng 300 đại biểu là các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế, các tỉnh, thành phố liên kết gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn và các doanh nghiệp hoạt động về du lịch...

Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh lLiên kết không phải là phong trào mà phải có trọng tâm, trọng điểm. Các địa phương liên kết làm du lịch phải có sản phẩm, điểm du lịch có giá trị đặc thù, khác biệt so với các tỉnh khác.

Tám tỉnh, thành phố tham gia hội nghị đã tập trung phân tích và tiến hành ký kết về 5 nội dung trong hợp tác phát triển du lịch, bao gồm phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch; công tác quản lý Nhà nước về du lịch.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh Hà Quang Long cho rằng cần đặc biệt nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu của các công ty lữ hành, những đơn vị xây dựng, chào bán và tổ chức thực hiện các tour du lịch, cầu nối hiệu quả nhất để mở ra các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các khu, điểm du lịch, giữa các tỉnh, thành phố và giữa các vùng, miền.

Ông Long đề nghị Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các công ty lữ hành tổ chức điều tra, khảo sát, làm rõ các trào lưu, xu hướng, nguyện vọng, nhu cầu thị trường khách du lịch nội địa ra tham quan du lịch miền Bắc để làm cơ sở cho việc xây dựng các chương trình du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh ra thăm miền Bắc, nhất là các tỉnh, thành phố trong liên kết vùng.

Đại diện thành phố Hải Phòng đề xuất, các tỉnh, thành phố cần liên kết trong công tác quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch, cần thống nhất xây dựng và thực hiện quy hoạch, phân công trong phát triển sản phẩm, định hướng đầu tư để tranh thủ các nguồn lực, khai thác tốt các lợi thế so sánh của từng địa phương, hình thành được các sản phẩm mang tính đặc trưng riêng của từng địa phương nhưng lại mang dấu ấn chung cho cả vùng, tránh trùng lặp, kém hiệu quả, tạo ra tính hấp dẫn và khả năng cạnh tranh.

Trước mắt, cần xây dựng Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch chung cho các địa phương, tránh trùng lắp sản phẩm du lịch với các địa phương khác trong vùng.

Đại diện Hiệp hội du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần xác định Quảng Ninh vừa là điểm đến độc đáo hấp dẫn để các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đưa khách đến, vừa là đầu mối thu hút khách từ các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn...

Đồng thời, Quảng Ninh còn là điểm đến cho cả du khách trong nước và quốc tế, nên trong phối hợp xây dựng sản phẩm và quảng bá xúc tiến, để đạt được thành công cho hai địa phương, hai bên cần có những giải pháp cụ thể hơn từ chủ trương của địa phương đến các vấn đề cụ thể về sản phẩm du lịch, chất lượng du lịch.

Quảng Ninh có vị trí địa chính trị-kinh tế thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa đa dạng, đặc biệt có Vịnh Hạ Long hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới và được vinh danh là Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, cùng với Vịnh Bái Tử Long tạo nên quần thể 2.077 đảo đất, đá là nguồn tài nguyên du lịch nổi bật, đặc sắc vào bậc nhất cả nước và thế giới.

Quảng Ninh còn có danh thắng Yên Tử và hơn 600 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn liền với quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây là nguồn tài nguyên vô giá và tiềm năng lớn để Quảng Ninh phát triển các loại hình du lịch.

Tuy nhiên, những năm qua, du lịch Quảng Ninh phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm du lịch cũng chưa phong phú; công tác quản lý nhà nước còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là quản lý du lịch lữ hành. Bên cạnh đó, Quảng Ninh và các địa phương chưa thực sự tạo ra sự liên kết chặt chẽ trong phát triển du lịch.

Mỗi năm tỉnh Quảng Ninh đón trên 7 triệu lượt khách đến tham quan; trong đó có khoảng 5 triệu lượt khách trong nước, nhưng lượng khách từ phía Nam (chủ yếu là Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ chiếm khoảng 7% số lượng khách trong nước.

Quan điểm phát triển của Quảng Ninh là gắn du lịch với phát triển kinh tế biển, góp phần tích cực, hiệu quả vào xây dựng Quảng Ninh thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng-an ninh, phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục