Liên minh châu Âu bị chỉ trích vì phân biệt đối xử người tị nạn

Tổ chức Ân xá Quốc tế chỉ trích cách xử lý cuộc khủng hoảng di cư, cũng như những nỗ lực của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong việc chống lại mối đe dọa khủng bố.
Liên minh châu Âu bị chỉ trích vì phân biệt đối xử người tị nạn ảnh 1Người di cư chờ tại Canakkale, Thổ Nhĩ Kỳ để tìm cách vượt biển tới Hy Lạp. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) ngày 23/2 đã chỉ trích cách xử lý cuộc khủng hoảng di cư, cũng như những nỗ lực của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong việc chống lại mối đe dọa khủng bố.

Trong báo cáo thường niên, tổ chức đóng trụ sở tại thủ đô London (Anh) này đã đề cập việc một số quốc gia EU tham gia Hiệp ước Schengen (miễn thị thực đi lại trong khối này) gần đây đã tái áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư và tị nạn lớn chưa từng có nhằm trốn chạy khỏi xung đột, nội chiến và nghèo đói tại các quốc gia Trung Đông, châu Phi và Nam Á.

Tổng Thư Ký AI, ông Salil Shetty nhấn mạnh việc EU - liên minh thịnh vượng nhất hành tinh - không thể chăm lo các quyền lợi cơ bản cho hầu hết những con người bị ngược đãi trên thế giới là điều thật “đáng hổ thẹn.”

Ông kêu gọi liên minh 28 quốc gia thành viên thiết lập những lộ trình an toàn và hợp pháp giúp những người khốn khổ đang tìm đường tới châu Âu, đồng thời cho rằng cần dựa trên từng hoàn cảnh để đối xử phù hợp với họ, thay vì áp đặt “hình phạt tập thể” như hiện nay.

Trong khi đó, Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu thuộc AI nhận định rằng ngoại trừ Đức thì đa phần các quốc gia đều coi việc bảo vệ biên giới của họ là điều quan trọng hơn bảo vệ quyền lợi của những người tị nạn.

Trong báo cáo thường niên nói trên, AI cũng "gióng lên" hồi chuông cảnh báo về các đạo luật chống khủng bố mới được ban hành trên toàn châu Âu, đặc biệt là đạo luật khẩn cấp quốc gia “tước bỏ các quyền lợi” đối với người di cư và tị nạn đang được Pháp áp dụng kể từ sau loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại thủ đô Paris hồi tháng 11 năm ngoái làm 130 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Theo đạo luật này, nhà chức trách Pháp được quyền bắt giữ bất kỳ ai bị tình nghi là “mối đe dọa đối với an ninh và trật tự công cộng,” cũng như được phép khám xét nhà dân bất kỳ thời điểm nào mà không cần lệnh của tòa án.

Ông Shetty cho rằng mặc dù Chính phủ Pháp cần có những biện pháp nhằm ứng phó với tình hình an ninh quốc gia trên thực tế, nhưng động thái này của họ đang làm người dân mất tự do./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục