Liên minh châu Âu liệu đã sẵn sàng "đương đầu" với Trung Quốc?

EC đã ra một tuyên bố rằng Trung Quốc là một "đối thủ cạnh tranh kinh tế" và là một "đối thủ có hệ thống." Tuyên bố đưa trong bối cảnh sự can dự về kinh tế của Trung Quốc vào châu Âu ngày càng tăng.
Liên minh châu Âu liệu đã sẵn sàng "đương đầu" với Trung Quốc? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: picfair.com)

Trang mạng asiatimes.com đưa tin tháng Ba vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra một tuyên bố rằng Trung Quốc là một "đối thủ cạnh tranh kinh tế" và là một "đối thủ có hệ thống."

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh sự can dự về kinh tế của Trung Quốc vào châu Âu ngày càng tăng, điển hình là việc Italy tham gia Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI).

Bất chấp tuyên bố của EC, Liên minh châu Âu (EU) vẫn dễ bị tác động bởi sức ảnh hưởng của Trung Quốc.

Căn cứ vào bản chất chính sách của Trung Quốc đối với châu Âu, EU nên vạch ra một chiến lược thống nhất, thực tế, có thể xử lý một cách thận trọng những tham vọng của Bắc Kinh.

Các mục tiêu chính sách và chiến thuật của Trung Quốc ở châu Âu chắc chắn gây ra những mối lo ngại.

[Mega Story] Quan hệ EU-Trung Quốc: Bước tái cân bằng hợp logic

Mặc dù công khai tôn trọng vai trò của EU với tư cách là đại diện cho lục địa châu Âu, Bắc Kinh vẫn tiếp cận các quốc gia thành viên theo cách riêng rẽ để gây mâu thuẫn giữa các quốc gia thành viên EU.

Diễn đàn 16+1, được cho là tạo điều kiện cho quan hệ đối tác của Trung Quốc với 16 quốc gia ở Trung và Đông Âu, bao gồm 11 nước thành viên EU.

Các quốc gia này thường được coi là "các đối tác nhỏ hơn" trong EU vì tình trạng yếu kém tương đối của họ, và Trung Quốc đã khai thác điểm yếu của họ để bẻ cong và thao túng các quy tắc thị trường.

Hơn nữa, các công ty Trung Quốc thâm nhập thị trường châu Âu thường làm suy yếu các giá trị của EU.

Trợ cấp nhà nước, các tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước, chuyển giao công nghệ ép buộc và thiếu sự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ làm xói mòn các nguyên tắc thị trường tự do của EU.

Tuy nhiên, các vấn đề nội bộ của EU khiến cho các thành viên trong khối không thể nhìn xa và bị chia rẽ.

Bất chấp sự hiện diện đang gia tăng của Trung Quốc, đó không phải là chương trình nghị sự ưu tiên của EU. Các vấn đề như Brexit và cuộc khủng hoảng người tị nạn đang chi phối chương trình hoạt động của liên minh.

Chính phủ của các nước thành viên EU bị khủng hoảng kinh tế chấp nhận những đề xuất đầu tư có lợi từ Trung Quốc để thu hút sự ủng hộ trong nước mà không cần đánh giá một cách cẩn trọng.

Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia hoan nghênh các gói đầu tư của Trung Quốc một cách vô điều kiện thường theo đuổi chính sách dân túy, như Hungary và Hy Lạp.

Italy chỉ nhìn thấy những lợi thế của các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các hải cảng ở quốc gia Nam Âu này, bất chấp mối nguy hiểm thấy rõ là Bắc Kinh đang tác động đến các phương thức vận tải hàng hóa chủ chốt.

Trong khi các thành viên giàu mạnh hơn như Pháp và Đức đang tăng cường cảnh giác đối với Trung Quốc, các quốc gia đang trải qua giai đoạn suy thoái và khủng hoảng chính trị thiếu tư duy địa chính trị sắc sảo và dài hạn.

EU có thể làm gì để giải quyết những vấn đề này? Đầu tiên và quan trọng nhất là cần đưa ra một lập trường vững chắc đối với Trung Quốc dựa trên chủ nghĩa hiện thực và có đi có lại.

Các nhà lãnh đạo EU nên chỉ ra các hành vi không công bằng của Trung Quốc như trợ cấp nhà nước và chuyển giao công nghệ bắt buộc.

EU nên tổ chức các cuộc thảo luận về việc thực hiện các quy định về nghiên cứu sàng lọc đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc, đặc biệt chú trọng vào công nghệ.

Nếu các công ty châu Âu đối mặt với các hành vi phân biệt đối xử tại các thị trường thu mua hàng hóa của Trung Quốc, EC nên bắt đầu tiến hành một cuộc điều tra có thể hạn chế các công ty của Trung Quốc xâm nhập vào thị trường châu Âu.

Để đảm bảo rằng hầu hết các thành viên trong EU có một lập trường chung đối với Trung Quốc, các nhà lãnh đạo của khối nên thiết lập các nguồn lực từ cả bên trong và ngoài EU để cung cấp các lựa chọn thay thế tiềm năng cho các khoản đầu tư đáng ngờ nhất từ Bắc Kinh.

Trong khi chấp nhận đầu tư của Trung Quốc, EU cũng nên thận trọng.

Nhìn rộng hơn, EU nên có vai trò chủ động hơn trong việc bảo vệ các nguyên tắc tự do.

Sự mở rộng quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu là một phần của chiến lược bành trướng ra toàn cầu của họ, thông qua BRI.

Sáng kiến này và chiến lược kết nối của nó vốn nổi tiếng về bẫy nợ, theo đó các công ty Trung Quốc, được chính phủ trợ cấp, đã cố tình bắt tay vào thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng không bền vững về mặt tài chính.

Một khi quốc gia sở tại không trả được nợ, họ phải nhượng bộ ảnh hưởng đối với một "sản phẩm" cụ thể.

Ngay cả các quốc gia được đầu tư vào cơ sở hạ tầng mà không gặp khó khăn về tài chính cũng có những ràng buộc đi kèm; Các tàu lớn của Trung Quốc, bao gồm những tàu do nhiều ban ngành chính phủ kiểm soát, được tự do ra vào các cảng của những quốc gia này.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng ở châu Âu lại tập trung vào hải cảng, như các khoản đầu tư vào các cảng ở Piraeus của Hy Lạp và Trieste của Italy.

Vài năm trở lại đây chứng kiến một làn sóng chống lại BRI trên toàn cầu sau những cáo buộc về tham nhũng, hủy hoại môi trường và can thiệp chính trị.

Tuy nhiên, 15 trong tổng số 28 quốc gia thành viên EU đã ký tham gia sáng kiến này.

BRI là một thách thức trực tiếp đối với các trụ cột chính của trật tự tự do hậu Chiến tranh Lạnh; Chính phủ Trung Quốc được cho là đang chuẩn bị cho một thể chế - xây dựng theo mô hình hệ thống luật pháp của Bắc Kinh - để giải quyết các tranh chấp thương mại dọc theo "vành đai và con đường" của họ, thách thức các tòa án quốc tế hiện nay vẫn đang giải quyết các vấn đề này.

EU nên ngăn cản các thành viên tham gia BRI nếu không có sự thay đổi căn bản về trọng tâm của sáng kiến này.

Mối lo ngại này được Washington chia sẻ. Chiến lược An ninh Quốc gia của chính quyền Mỹ coi Trung Quốc là một "đối thủ cạnh tranh chiến lược," và cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra được coi là một thách thức đối với nền kinh tế do nhà nước Trung Quốc điều khiển.

EU nên gắn các nỗ lực của Mỹ nhằm đối trọng với Trung Quốc với việc bảo hệ hệ thống tự do.

Washington cần nhận thức rằng "Nước Mỹ trước tiên" là không thích hợp với cuộc chiến bảo vệ trật tự tự do; Mỹ cần những người bạn dân chủ ở châu Âu để đối trọng với Trung Quốc.

Washington và Brussels nên tạo điều kiện thuận lợi cho các cam kết cấp cao cụ thể để đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng ở châu Âu và hơn thế nữa.

EU nên thừa nhận rằng đây là một cuộc cạnh tranh của các giá trị vượt ra ngoài địa chính trị thực dụng.

Các tàu chiến của Anh và Pháp đang tuần tra ở Biển Đông - nơi Trung Quốc tham gia vào những tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia Đông Nam Á - để đảm bảo hoạt động vận chuyển hàng hóa diễn ra suôn sẻ.

Tuy nhiên, EU đã thận trọng trong các vấn đề cơ bản hơn.

Năm 2016, Liên minh châu Âu đã từ chối ủng hộ lập trường pháp lý về vấn đề Biển Đông khi Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, theo đó bác bỏ những yêu sách của Bắc Kinh đối với vùng biển đang tranh chấp này - một sự đối đầu với nguyên tắc của luật pháp quốc tế và tự do hàng hải.

Tháng 3 và tháng 6/2017, Hungary và Hy Lạp đã lần lượt ngăn cản EU ra một tuyên bố chỉ trích các hành vi vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.

Như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng tuyên bố EU nên đặt dấu chấm hết cho thời kỳ "châu Âu ngây thơ" và đánh giá Trung Quốc đúng như bản chất của họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục