Liên minh châu Âu loay hoay gỡ rối cho việc Anh rời EU

Cho đến thời điểm này, EU đã luôn nhất quán với thỏa thuận Brexit mà khối này đạt được với Anh, khẳng định rằng EU chắc chắn về bản thỏa thuận và chỉ chờ Anh phê duyệt.
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu ở Brussels, Bỉ ngày 21/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu ở Brussels, Bỉ ngày 21/3 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trang mạng CNN.com đưa tin, ngày 21/3, Thủ tướng Anh Theresa May đến Brussels để gặp 27 lãnh đạo các nước còn lại thuộc Liên minh châu Âu (EU) để yêu cầu kéo dài thời hạn kích hoạt Điều 50, điều khoản mang tính pháp lý quy định quá trình Anh rời EU (Brexit).

Nếu 27 nước này đồng ý và có thể sẽ là vậy, tiến trình Brexit sẽ được trì hoãn sau thời hạn chót hiện nay vào ngày 29/3.

Tạm gác lại vấn đề nổi cộm hiện nay là sự thất bại của chính sách Brexit của Anh trong vòng 2 năm qua, câu hỏi quan trọng hiện nay là quá trình trì hoãn Brexit sẽ kéo dài bao lâu?

Có thể có 2 lựa chọn. Thứ nhất là trì hoãn ngắn hạn, nhằm giúp chính phủ Anh có thêm chút ít thời gian để có được sự chấp thuận của quốc hội đối với thỏa thuận Brexit và sẽ bớt căng thẳng khi đưa vào một số thay đổi trong thỏa thuận này kèm theo đó là một tuyên bố mang tính chính trị.

Lựa chọn thứ hai là EU có thể chấp thuận một thời gian trì hoãn kéo dài hơn rất nhiều, có thể hàng năm trời, để Anh có thêm thời gian gỡ rối “mớ bòng bong Brexit” của mình.

Một khả năng ít xảy ra, song không phải là không thể, là việc EU bác bỏ bất kỳ đề xuất trì hoãn nào.

Trong vài tháng qua, các nguồn tin ngoại giao châu Âu đã tỏ rõ lập trường rằng bất kỳ hình thức kéo dài thời hạn Brexit nào đều là quá dễ dàng để EU chấp thuận miễn là Anh nói rõ những ý định về dài hạn của mình, chứ không phải trì hoãn Brexit mà không có lý do nào. Thực ra, cho đến thời điểm này, London chưa hề thể hiện lập trường rõ ràng của mình.

Bất kỳ sự trì hoãn Brexit nào cũng cần sự nhất trí thông qua của Hội đồng châu Âu, cơ quan ra quyết định tối cao của EU, khi cơ quan này nhóm họp tại Brussels vào tuần này. Đây chính là nơi mà những khó khăn nảy sinh.

Kể từ khi khởi động toàn bộ tiến trình Brexit, những người ủng hộ Brexit đã táo bạo khẳng định rằng khối thống nhất 27 nước EU rốt cục sẽ chia rẽ và Anh cuối cùng có thể đạt được mong muốn của mình.

[Nước Anh đang phải đối mặt với "mớ bòng bong" Brexit]

Thế nhưng, thực tế lại không diễn ra như vậy. Cho đến thời điểm này, EU đã luôn nhất quán với thỏa thuận Brexit mà khối này đạt được với Anh, khẳng định rằng EU chắc chắn về bản thỏa thuận và chỉ chờ Anh phê duyệt.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Quốc hội Anh không thể mạnh tay thông qua và kéo theo khả năng phải trì hoãn Brexit, thì điều thú vị đã xảy ra.

Lần đầu tiên trong tiến trình Brexit, chúng ta tiến tới một hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng châu Âu mà tại đó khó có thể dự đoán được động thái của EU sẽ như thế nào.

Cái khó đối với EU là ở chỗ, cho dù trì hoãn dài hay ngắn, bất kỳ sự trì hoãn nào sẽ dẫn đến những vấn đề phức tạp. Và đây chính là vấn đề gây bất đồng quan điểm ở 27 nước châu Âu.

Nếu Anh không rời EU trước ngày 22/5 tới, nước này có thể sẽ phải tham gia các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, vốn bắt đầu từ ngày 23/5 tới. Nếu London không tham gia bầu cử, có thể vi phạm nghĩa vụ của Anh với tư cách là thành viên khối. Còn nếu Anh tham gia bầu cử, tồn tại một mối quan ngại thực sự ở Brussels rằng những người có quan điểm hoài nghi châu Âu theo đường lối cứng rắn có thể tham gia cuộc bầu cử này nhằm phản đối việc Anh chưa rời EU.

Họ có thể tìm kiếm một lực lượng quần chúng dễ lĩnh hội tư tưởng của họ, và gia nhập những người bạn mới ở Nghị viện châu Âu. Nghe có vẻ xa xôi và viển vông?

Một nguồn tin EU gần đây chia sẻ những mối quan ngại ở Brussels rằng các nhân vật cựu hữu như Tommy Robinson có thể sẽ trở thành thành viên của Nghị viện châu Âu.

Thế nên, sự trì hoãn ngắn hạn là lựa chọn được ưa thích nhiều hơn ở Brussels, nhất là Nghị viện châu Âu. Tuy nhiên, ngay cả khi như vậy, điều này cũng gây ra hàng loạt vấn đề.

Thứ nhất, không có sự đảm bảo nào về việc Quốc hội Anh sẽ “gật đầu” đối với thỏa thuận Brexit của bà May cho đến khi kết thúc thời gian trì hoãn ngắn này. Thứ hai, trên thực tế, sự trì hoãn ngắn hạn có thể đồng nghĩa với sự trì hoãn cho một Brexit không thỏa thuận mà nhiều người không muốn xảy ra song vẫn là mặc định như vậy.

Trong khi đó, EU muốn Anh thông qua thỏa thuận Brexit. Đây chính là vấn đề mà một số người tính đến khả năng trì hoãn lâu dài. Trì hoãn lâu dài sẽ tạo cho Anh một cơ hội, nhiều khả năng là như vậy. Nếu Anh sẽ tham gia vào bầu cử Nghị viện châu Âu, nước này phải ban hành luật để thực hiện điều này trước ngày 11/4 tới.

Liên minh châu Âu loay hoay gỡ rối cho việc Anh rời EU ảnh 1Một phiên họp của Nghị viện châu Âu. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong viễn cảnh đó, EU có thể đề xuất một thời hạn trì hoãn dài nhất là khoảng 2 năm với một thời điểm cố định để kết thúc giai đoạn trì hoãn này song với một điều khoản rời EU mang tính chặt chẽ.

Nếu Hạ viện Anh thông qua thỏa thuận Brexit của bà May trong khoảng thời gian đó, Anh sẽ rời khỏi EU và sự gia hạn Điều khoản 50 sẽ trở thành một giai đoạn chuyển tiếp 2 năm, theo như thỏa thuận Brexit hiện hành.

Nói cách khác, giới nghị sỹ Anh sẽ phải lựa chọn giữa việc bỏ phiếu cho việc rời EU với một thỏa thuận họ có thể không muốn hoặc vẫn ở lại EU như một thành viên đầy đủ.

Tất cả những điều trên đã trở nên rối rắm hơn vào hôm 18/3 vừa qua khi Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow tuyên bố sẽ không cho phép tiến hành bỏ phiếu lần 3 trừ phi thỏa thuận rút khỏi EU của Thủ tướng May phải có những nội dung thay đổi lớn so với nội dung đã bỏ phiếu lần 2.

Mặc dù mỗi người hiểu tuyên bố này theo cách khác nhau, song dường như thể hiện rõ rằng nếu EU trao cho May điều gì đó đáng kể, ví dụ một khung thời gian Brexit mới, điều đó sẽ đủ để tiến hành một cuộc bỏ phiếu thứ 3 ở quốc hội.

Ở mức độ nào đó, tuyên bố này đã đẩy bóng về sân của EU, ngay cả khi không ai biết được EU có thể xoay xở như thế nào với quả bóng này.

Về mặt chính trị, bất kỳ sự trì hoãn nào đều sẽ là sự sỉ nhục với Anh, song lại có tác dụng cứu vớt thỏa thuận Brexit của bà May cho đến thời điểm này và cho phép bà quật lại những nghị sỹ nổi loạn, để họ nhận thức được nguy cơ Anh ở lại EU lâu hơn nếu họ không chấp thuận thỏa thuận của bà.

Nếu tất cả những điều trên nghe có vẻ khó hiểu và mù mờ thì đó là vì bản chất nó như vậy. Nếu nghe có vẻ vô trách nhiệm và đầy rủi ro, cũng là vì bản chất vấn đề như vậy. Brexit xảy ra trong 10 ngày tới. Cuối cùng, đây chỉ là hành động một.

Nếu thỏa thuận Brexit được thông qua hoặc Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào, điều xảy ra tiếp theo sẽ còn đau đớn hơn và khó khăn hơn bất kỳ điều gì mà chúng ta chứng kiến về Brexit cho đến thời điểm này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục