Liên minh châu Âu thúc đẩy các biện pháp kiểm soát giá năng lượng

EC sẽ đưa ra các biện pháp bổ sung vào tuần tới nhằm nỗ lực kiểm soát tình trạng giá năng lượng leo thang, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ biện pháp mới nào cũng cần có sự đồng thuận cao giữa các nước.
Liên minh châu Âu thúc đẩy các biện pháp kiểm soát giá năng lượng ảnh 1Hàng dài phương tiện chờ mua xăng tại một trạm xăng của TotalEnergies ở Marseille, Pháp ngày 6/10/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 12/10, Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng Kadri Simson cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đưa ra các biện pháp bổ sung vào tuần tới nhằm nỗ lực kiểm soát tình trạng giá năng lượng leo thang, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ biện pháp mới nào cũng cần có sự đồng thuận cao giữa các nước thành viên.

Phát biểu khi tới dự Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ở Prague (Cộng hòa Séc), bà Simson thông báo: “Tuần tới, EC sẽ đưa ra gói đề xuất khác.”

Bộ trưởng Môi trường, Khí hậu, Thông tin và Vận tải Ireland Eamon Ryan xác nhận các nước đều nhất trí sẽ có thêm hành động, song để đưa ra chính xác cơ chế thực hiện sẽ cần thêm thời gian.

[Đức không có kế hoạch hỗ trợ các khoản vay chung của EU]

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng và Phát triển số Thụy Điển Khashayar Farmanbar cho rằng cần có sự can thiệp thị trường trong ngắn hạn và EC cần tìm ra biện pháp nhằm tách riêng vấn đề giá khí đốt với giá điện.

Về phần mình, Bộ trưởng Dầu mỏ và Năng lượng Na Uy Terje Aasland cho biết nước này không khuyến nghị EC áp giá trần đối với khí đốt nhập khẩu.

Ông nhấn mạnh các cuộc đàm phán với đối tác nhằm tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác các bên cùng có lợi là phương án thích hợp hơn việc áp giá trần.

Trong khi đó, Bộ trưởng Khí hậu và Chính sách năng lượng Hà Lan Rob Jetten cho rằng EU cần thúc đẩy các mục tiêu cứng rắn hơn nhằm tiết kiệm năng lượng để tránh tình trạng thiếu hụt năng lượng và kiềm chế đà tăng của giá cả vào mùa Đông này.

Ông cho hay Hà Lan ủng hộ các mục tiêu có tính ràng buộc hơn đối với tất cả các nước thành viên EU, đồng thời nêu rõ mỗi nước cần nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu tiết kiệm 15-20% năng lượng.

Theo hãng tin Reuters, vấn đề cách thức, thời điểm và liệu có áp giá trần với khí đốt sẽ là trọng tâm của Hội nghị các Bộ trưởng Năng lượng EU, khi các nước đang theo đuổi kế hoạch chung nhằm ứng phó với giá khí đốt cao.

Hội nghị tại Praha sẽ cố gắng đưa ra định hướng rõ ràng hơn về biện pháp năng lượng khẩn cấp tiếp theo mà EC nên đề xuất.

Với giá khí đốt tăng gần 90% so với cách đây một năm, phần lớn các thành viên đều ủng hộ áp giá trần với khí đốt, song lại bất đồng về hình thức thực hiện.

Một số quốc gia, trong đó có Đức, phản đối biện pháp này do lo ngại rằng những nước đang chật vật tìm kiếm nguồn cung từ các thị trường có giá cạnh tranh trên toàn cầu thay cho nguồn cung của Nga sẽ thêm khó khăn.

Trước thềm cuộc họp, Đức và Hà Lan đã đề xuất một số biện pháp, bao gồm áp giá chuẩn mới cho khí tự nhiên hóa lỏng, các mục tiêu cứng rắn hơn để tiết kiệm khí đốt, đàm phán hạ giá thành với các nhà cung cấp khác, như Na Uy.

Tháng Sáu vừa qua, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã áp giá trần với khí đốt dùng để sản xuất điện, từ đó giúp hạ giá điện trong nước. Ý tưởng này đã thu hút sự chú ý của các nước khác, dù vẫn còn lo ngại rằng sẽ làm tăng nhu cầu khí đốt của EU.

Cùng ngày, phản ứng trước kế hoạch áp giá trần đối với dầu mỏ Nga, Thứ trưởng Năng lượng Nga Pavel Sorokin khẳng định điều này sẽ tác động tiêu cực đến toàn bộ thị trường dầu mỏ.

Phát biểu tại Diễn đàn quốc tế Tuần lễ Năng lượng Nga, ông tuyên bố Nga sẽ không hợp tác với những nước áp đặt biện pháp này.

Đầu tháng Chín vừa qua, Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) đã nhất trí áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga, trong đó dầu thô bị áp giá trần từ ngày 5/12/2022, còn các sản phẩm dầu mỏ bị áp giá trần từ ngày 5/2/2023.

Vệc áp giá trần sẽ được triển khai cùng với các biện pháp liên quan trong gói trừng phạt thứ 6 của EU đối với Nga nhằm hạn chế nguồn tài chính của Moskva./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục